Kết quả này đã được đoán biết trước, sau vụ ông Dũng vung gậy golf đánh nữ caddie, bị dư luận kịch liệt lên án. Tuy nhiên, dư vị đắng vẫn còn đọng lại:
Một, nguyên nhân "cắt" đại biểu HĐND đối với ông Dũng chưa được các bên dũng cảm công khai thừa nhận; lý do "theo nguyện vọng cá nhân" chỉ là cách nói né tránh; thực chất phải nêu rõ là vì ông không còn đủ tư cách làm đại diện cho dân, nên phải rời khỏi tổ chức.
Hai, thời gian xử lý kéo dài quá lâu (vụ việc xảy ra vào đầu tháng 12-2022). Với tính chất, mức độ của sự vụ này, xử lý càng sớm, càng nghiêm minh và đúng quy định pháp luật thì càng được tạo niềm tin trong nhân dân.
Có rất nhiều sự vụ lớn đáng lý ra phải làm sớm, làm nhanh nhưng lại tiến hành chậm chạp, kể cả khi đã có chỉ đạo thúc đẩy của cấp thẩm quyền; ngược lại, có những việc cần cân nhắc thiệt - hơn kỹ càng thì cơ quan chức năng lại đưa ra quyết định gấp gãy khiến các đối tượng bị tác động không kịp trở tay.
Như chuyện điện mái nhà đang gây chú ý mấy ngày qua: Ngày 21-3, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục nhận đơn kêu cứu lần hai của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đầu tư điện mặt trời áp mái.
Theo đó, ngành điện ra hạn định từ ngày 1-4-2023 sẽ tạm ngưng trả tiền mua điện nếu các DN không hoàn thiện hồ sơ (bổ sung phần PCCC và giấy phép xây dựng), sau ngày 30-6 sẽ cắt hợp đồng. Trong khi đó, các DN cho rằng họ đầu tư theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, hoàn tất trước thời hạn ngành điện quy định là 31-12-2020, lúc đó chưa có yêu cầu hồ sơ PCCC và xây dựng. Đùng một cái, ngành điện ban "tối hậu thư" kể trên, DN lo không kịp, mà có nộp hồ sơ PCCC và xây dựng cho chính quyền địa phương hoặc ban quản lý KCN-KCX cũng bị từ chối cấp phép vì trái trình tự.
Vậy là, hướng dẫn, yêu cầu của các bộ - ngành về PCCC và xây dựng đối với dự án điện mặt trời áp mái được đưa ra muộn, sắp tới nếu DN bị ngưng thanh toán thì ai chịu trách nhiệm về nợ nần, thậm chí là phá sản của họ. 12.000 tỉ đồng vốn vay ngân hàng đã đổ vào đó!
Sự phát triển nóng và mất kiểm soát của năng lượng tái tạo vượt xa khả năng truyền tải điện, dẫn tới phải cắt giảm nguồn cung rất lớn (trong khi chúng ta phải mua thêm điện từ nước ngoài), cho thấy các cơ quan tham mưu đã chưa tham vấn kỹ bên vận hành hệ thống. Từ chỗ ban hành chủ trương thu hút đầu tư vào điện gió, điện mặt trời (trong đó có cam kết áp dụng giá mua trong 20 năm) đến việc tuyên bố bãi bỏ hầu hết các ưu đãi chỉ trong chưa đầy 3 năm là quá trình rất ngắn ngủi, song để lại hậu quả khá lâu dài, chưa chắc sẽ khắc phục nổi.
Cứ như vậy nên ngành công thương, ngành điện có giải thích kiểu gì về cái khó của mình cũng không dễ thuyết phục dư luận. Bên cạnh thiệt hại vật chất lớn là sự sụp đổ niềm tin - cũng là tổn thất không nhỏ. Các ngành, lĩnh vực khác nên soi chiếu vào đây, lấy làm bài học cho mình.
Bình luận (0)