Có đến 51 đoạn với tổng chiều dài hơn 162 km, An Giang là tỉnh có nhiều điểm cảnh báo sạt lở nguy hiểm nhất khu vực ĐBSCL. Giải pháp trước mắt của tỉnh này là thường xuyên theo dõi, tuyên truyền, cảnh báo, thông báo cho dân ngay khi phát hiện dấu hiệu sạt lở.
Tăng cường cảnh báo
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh An Giang, cho rằng việc khắc phục sạt lở hiện nay thường mang tính cấp thiết trước mắt nên tốn chi phí rất cao và không có ý nghĩa lâu dài (có thể bị hư hỏng sau 2-3 năm hoặc gây sạt lở ở các khu vực lân cận). Do đó về lâu dài, sở này kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn đồng bộ; định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, cần khoanh vùng các khu vực sạt lở, cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm, trên cơ sở đó thống kê và lập kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đặc biệt là chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, đề xuất giải pháp quản lý nhà nước về giao thông, xây dựng trên khu vực bờ sông, kênh rạch và khu vực cảnh báo sạt lở. Giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện trong việc không để phát sinh, cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh rạch trái phép.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, một nguyên nhân rất phổ biến gây ra sạt lở là do người dân tập trung cất nhà sát bờ sông, đặc biệt là các nhà sàn đóng cọc ven sông rất dày đặc. Tải trọng từ những căn nhà này tác động lên bờ sông vốn có kết cấu kém bền vững đã khiến sạt lở gia tăng khắp nơi. Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu: "Sắp tới, các cơ quan chức năng phải chấm dứt việc cấp phép cho người dân xây dựng nhà trên sông. Nếu để xảy ra tình trạng này thì chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm. Riêng chủ tịch UBND quận, huyện phải quản lý chặt việc này. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần sớm có đề án, lộ trình để giải quyết dứt điểm việc cất nhà sàn ven sông".
Một vụ sạt lở bờ sông làm sập nhiều căn nhà ở An Giang. Ảnh: THỐT NỐT
Quản lý chặt việc khai thác cát
Cũng theo Sở TN-MT tỉnh An Giang, hiện toàn tỉnh có 9 khu mỏ được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sông. Qua kiểm tra, các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định về khai thác cát sông. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng khai thác cát sông lén lút gây bức xúc dư luận ở địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 18 trường hợp khai thác cát sông không có giấy phép. Cát tặc thường tập trung nhiều phương tiện khai thác vào ban đêm dù các ngành chức năng của tỉnh, huyện thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.
Sắp tới, tỉnh An Giang tiếp tục duy trì các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện, tổ kiểm tra cấp xã về kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát sông nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cũng dự báo thời gian tới, với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, mức độ và cường độ sạt lở trên địa bàn sẽ phức tạp hơn. Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp cụ thể để phòng chống sạt lở.
Theo đó, Sở Xây dựng rà soát, quản lý quy hoạch nghiêm cấm xây dựng các công trình, nhà ở dọc bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở. Sở TN-MT quản lý chặt việc khai thác cát theo đúng quy định; kết hợp việc khai thác cát với việc chỉnh trị dòng chảy trên sông Tiền hướng vào giữa, tránh ảnh hưởng đến bờ sông.
Xử cát tặc không đủ răn đe
Việc xử lý hành vi khai thác cát không có giấy phép căn cứ theo điều 44 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, mức xử lý căn cứ theo nghị định này khá nhẹ, không đủ sức răn đe.
UBND tỉnh An Giang đã có văn bản đề nghị Bộ TN-MT nghiên cứu, tham mưu Chính phủ sửa đổi nghị định này theo hướng tăng nặng mức tiền xử phạt, tịch thu phương tiện vi phạm đối với mọi khối lượng khai thác cát trái phép (thay cho việc phải trên 50 m3 mới tịch thu) để bảo đảm đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm, tránh tình trạng tái phạm như hiện nay.
2.500 tỉ đồng khắc phục sạt lở
Theo báo cáo của Hội nghị ASEM tổ chức tại TP Cần Thơ trong 2 ngày 19 và 20-6, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển xảy ra ở hầu hết địa phương vùng ĐBSCL. Toàn vùng hiện có 562 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km. Trong đó có 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 148 km cần sớm được tập trung xử lý để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của dân và nhà nước.
Để giúp các địa phương ĐBSCL ứng phó với sạt lở, trung ương đã đồng ý trích 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách năm 2018 cho các địa phương ĐBSCL để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hỗ trợ 1.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để hỗ trợ một số địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-6
Kỳ cuối: Biến cát bẩn thành cát sạch
Bình luận (0)