Ngày 2-9, bà Tô Thị Bích Châu - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, Giám đốc Trung tâm Tiếp nhận và Hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 TP HCM (gọi tắt là Trung tâm An sinh thành phố) - đã trao đổi với báo chí về các chương trình an sinh trong thời gian tới.
. Phóng viên: Thưa bà, tính đến thời điểm hiện nay đã có bao nhiêu túi an sinh (TAS) được đưa đến người dân TP HCM và kênh tiếp nhận thông tin hỗ trợ người dân thế nào?
Bà TÔ THỊ BÍCH CHÂU
- Bà TÔ THỊ BÍCH CHÂU: Tới thời điểm này, chúng tôi đã chuyển hơn 2,3 triệu túi tới các phường, xã, thị trấn để chăm lo cho người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Làm như thế là nhanh, nhằm tập trung chăm lo an sinh cho người dân, đạt được hiệu quả phòng chống dịch trong giai đoạn siết chặt giãn cách. Người dân có nhiều kênh thông tin để báo cho chính quyền về nhu cầu hỗ trợ như: tổng đài 1022; đường dây nóng của MTTQ thành phố; chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời"; kênh thông tin tại địa phương... Thời gian qua, có nhiều người đăng ký một lần ở 1 kênh nhưng cũng có nhiều người đăng ký khắp các kênh. Vì vậy, việc thống kê, rà soát, xác minh rất khó khăn. Hiện chúng tôi đang cố gắng làm sao hỗ trợ nhanh, kịp thời nhất những trường hợp có đầy đủ thông tin.
. Mức độ ưu tiên dành cho các đối tượng đăng ký nhận gói hỗ trợ an sinh được quy định như thế nào?
- Vì nhu cầu người cần hỗ trợ TAS rất lớn nhưng nguồn lực có giới hạn, buộc chúng tôi phải sàng lọc, tìm người khó khăn, cấp bách cần hỗ trợ bằng những câu hỏi như: gia đình bạn có bao nhiêu người, lương thực, thực phẩm bạn đang có còn có thể dùng mấy ngày nữa; gia đình bạn có trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi), có người già (trên 70 tuổi) hay không; gia đình bạn có người đang điều trị bệnh hay đang là F0 hay không... để chuyển cho đội SOS hoặc địa phương ưu tiên chăm lo trước.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu khảo sát tại Trung tâm An sinh quận 4. Ảnh: PHAN ANH
. Trong quá trình triển khai, Trung tâm An sinh thành phố gặp khó khăn gì?
- Thời điểm này có rất nhiều khó khăn, cần khắc phục. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là thời điểm vừa làm vừa điều chỉnh chứ không phải chờ hoàn chỉnh mới triển khai. Khó khăn nhất hiện nay là nhân sự mỏng nhưng việc nhiều; cung ứng hàng hóa; nguồn lực… Và điều chúng tôi băn khoăn đó chính là sự đồng lòng, sẻ chia của người dân thành phố.
. Sắp tới, trung tâm có kế hoạch cải thiện điều gì để gói hỗ trợ an sinh được trao đến tay người dân kịp thời và hiệu quả hơn?
- Hiện chúng ta có lực lượng của cán bộ TP HCM tăng cường về cơ sở, lực lượng tình nguyện viên, các lực lượng shipper được nới lỏng hơn để vận chuyển hàng hóa tới các hộ dân; lực lượng của trung ương hỗ trợ về thành phố. Trung tâm sẽ kết nối, điều phối các lực lượng để phát huy tối đa nguồn lực, mang TAS tới nhanh nhất cho người dân.
Thành phố đang tiếp tục vận động các nguồn lực từ Chính phủ, các tỉnh - thành, tổ chức, cá nhân để có thêm TAS chăm lo cho người dân. Theo kế hoạch, ngày 6-9, TP HCM chuẩn bị thêm 2 triệu TAS (chi từ nguồn ngân sách thành phố) nhằm cố gắng phủ kín tất cả trường hợp khó khăn.
Có trường hợp chưa được nhận hỗ trợ, vì sao?
Theo bà Tô Thị Bích Châu, hiện TP HCM có hơn 4,5 triệu người dân khó khăn, vì vậy có người đăng ký nhiều ngày và nhiều lần nhưng vẫn chưa nhận được túi hỗ trợ. "Có những lý do như: lực lượng cán bộ đang mỏng dần do dịch bệnh, nên việc xác minh, rà soát thông tin chậm ở một số địa phương; số lượng TAS chuyển về phụ thuộc nhà cung cấp (đây là vấn đề khó khăn nhất hiện nay). Ngoài ra, còn thiếu người hỗ trợ vào các combo, người vận chuyển, việc lưu thông bị hạn chế... cũng là vấn đề làm chậm trễ việc phục vụ người dân" - bà Bích Châu giải thích.
Bình luận (0)