Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết trong suốt những năm qua, chứ không phải chỉ khi Ủy ban châu Âu (EC) chuẩn bị sang kiểm tra, cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương, các bộ ngành, hiệp hội, các hội nghề nghiệp cùng ngư dân, đã thực sự vào cuộc, quyết liệt với các giải pháp đồng bộ, khắc phục các khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng" IUU.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Theo đó, Hội Nghề cá Việt Nam đã hướng dẫn các cấp hội tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các khuyến nghị của EC và các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đến hội viên và ngư dân...; phối hợp cơ quan quản lý thủy sản và các địa phương ven biển theo dõi việc triển khai thực hiện chống khai thác IUU.
Ngư dân Khánh Hòa đưa thuyền vào bến sau một chuyến khai thác hải sản từ khơi xaẢnh: Kỳ Nam
Hội Nghề cá Việt Nam cũng yêu cầu hội viên và ngư dân tuân thủ các biện pháp quản lý bắt buộc theo đúng các quy định; không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép; truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác, thực hiện nghiêm về quản lý và xử lý vi phạm của tàu cá.
Theo ông Thắng, nếu không tháo gỡ được "thẻ vàng" IUU, không chỉ gây khó khăn cho việc xuất khẩu thủy sản khai thác vào thị trường EU mà còn tác động đến các thị trường khác, nhất là uy tín của nước ta bị ảnh hưởng. Vì vậy, những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU hôm 7-10 là rất đúng và rất quyết liệt với tinh thần "chống khai thác IUU vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân, không phải vì việc thanh tra, kiểm tra của EC".
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ số lượng tàu cá, nắm thực trạng tàu cá để sàng lọc, phân loại, bảo đảm theo dõi, giám sát được toàn bộ hoạt động của đội tàu, xử lý các trường hợp vi phạm; đặc biệt các tàu cá "3 không": Không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, bảo đảm thực hiện đúng quy định bật thiết bị VMS khi tham gia khai thác hải sản. Chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật, cơ quan, đơn vị liên quan mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; trong đó tập trung xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về VMS...; bảo đảm tăng số lượng các vụ việc xác minh, xử lý.
Ông Nguyễn Việt Thắng đánh giá với những gì Việt Nam đã làm được, hoàn toàn có niềm tin, có cơ sở để EC xem xét gỡ "thẻ vàng" IUU. Tuy nhiên, nếu vẫn có một tàu đánh bắt cá vi phạm vùng biển nước ngoài, sẽ là rào cản lớn đến kết quả đánh giá kiểm tra của EC. Vì vậy, việc tuyên truyền đối với 100% ngư dân, không phải là trách nhiệm của riêng bộ, ngành nào, địa phương nào, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, với quyết tâm cao nhất.
Xử lý mạnh sai phạm
Chiều 13-10, ông Nguyễn Như Đào, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh này đã chuẩn bị các kế hoạch để đón đoàn Thanh tra của EC.
Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa thường xuyên đi kiểm tra ở các cảng lớn để yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan mà Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Khánh Hòa triển khai liên tục từ đầu năm đến nay. Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo IUU tỉnh mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát IUU tại các cơ quan, đơn vị và trên biển.
Những năm qua, đa phần ngư dân Việt Nam tích cực thực hiện các khuyến nghị của EC, tuân thủ các quy định về khai thác hải sản
"Lo nhất là một số trường hợp ngư dân vì lý do nào đó mà thiết bị hành trình mất tín hiệu. Đoàn Thanh tra của EC nếu đến làm việc thì rất khó giải thích. Do đó, chúng tôi mong ngư dân cùng chung tay với cơ quan chức năng thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc quy định về IUU" - ông Đào cho biết.
Hiện Khánh Hòa có 699 tàu cá có chiều dài 15 m trở lên, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 665 tàu. Đến cuối tháng 8, tổng số tàu ra vào cảng là 6.408 lượt, tổng sản lượng qua cảng đạt 46.443 tấn hải sản; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã xác minh 167 trường hợp/232 lượt tàu bị mất kết nối.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Thuận liên tục tổ chức các đợt cao điểm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết chống khai thác IUU, trong đó tuyên truyền, xử lý mạnh hành vi khai thác xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Tháng 9-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 2 chủ tàu cá do vi phạm khuyến nghị của EC, với số tiền phạt 900 triệu đồng/tàu.
Ngoài giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài, hiện Bình Thuận đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS đối với tàu cá đang hoạt động và phát huy hệ thống giám sát tàu cá; tổng rà soát, thống kê tàu cá hiện có và gia tăng tỉ lệ tàu cá đăng ký, cấp phép khai thác, đăng kiểm.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, yêu cầu người đứng đầu các địa phương, đơn vị xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị ưu tiên, cấp bách và thường xuyên lâu dài để phát triển nghề cá có trách nhiệm, bền vững. Trong đó, lưu ý triển khai mọi biện pháp để ngăn chặn, kiên quyết không để tàu cá trong tỉnh vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời, thường xuyên rà soát, thống kê đưa vào quản lý, theo dõi đặc biệt các tàu cá có nguy cơ cao, quản lý chặt chẽ thuyền trưởng, ngư dân từng vi phạm khai thác trái phép, ngăn chặn không để tái phạm.
Cần tăng chế tài
Theo ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - để chống khai thác IUU hiệu quả, cần tăng chế tài xử phạt đối với tàu cá vi phạm khai thác IUU. Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ giãn nợ, khoanh nợ cho ngư dân. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 42/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, tăng chế tài xử phạt đối với các tàu cố tình đưa tàu đi khai thác IUU.
Đại tá Nguyễn Văn Tranh, Phó Tư lệnh Pháp luật Vùng Cảnh sát biển 4, cho biết thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên phối hợp Bộ đội Biên phòng; chi cục thủy sản; sở NN-PTNT các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng; các đơn vị nghiệp vụ của Hải quân và Quân khu 9 để phối hợp xác minh tin tức liên quan tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, bị lực lượng thực thi pháp luật của nước ngoài bắt giữ trên vùng biển của họ.
"Đối với vùng biển tiếp giáp Campuchia, chúng tôi phối hợp tốt với nước bạn ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm cũng như bảo vệ các tàu cá Việt Nam hoạt động hợp pháp tại vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia" - đại tá Nguyễn Văn Tranh nói.
Kịp thời bổ sung các quy định
Theo đại tá Trần Văn Lượng, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, để chống khai thác IUU hiệu quả, cần tập trung vào các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho ngư dân và các chủ tàu cá về các quy định pháp luật về khai thác thủy hải sản trên biển; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng; vai trò của chính quyền địa phương cơ sở trong công tác cấp phép, quản lý, kiểm tra các hoạt động và xử lý các vi phạm. Kịp thời bổ sung các quy định của pháp luật về thẩm quyền xử phạt, chế tài, hình phạt theo hướng tăng nặng.
"Đối với các tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài thì phải được quản lý chặt chẽ, được theo dõi và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - đại tá Trần Văn Lượng nhấn mạnh.
Yếu tố then chốt giúp gỡ "thẻ vàng" IUU
Trong vòng chưa đầy 1 năm, từ tháng 6-2014 đến tháng 4-2015, EC đã gỡ "thẻ vàng IUU" (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý) cho Philippines, sau khi ghi nhận những nỗ lực của Philippines trong việc hợp tác chống IUU. Liên minh châu Âu (EU) đánh giá cao tiến bộ đáng kể mà Philippines đạt được trong cải cách cơ cấu và chính sách, đáng chú ý nhất là việc thông qua Đạo luật Cộng hòa (RA) 10654, sửa đổi Bộ Luật Thủy sản Philippines năm 1998 vào ngày 27-2-2015 đã bổ sung hoạt động đánh bắt cá IUU là hành vi vi phạm và tăng cường các biện pháp trừng phạt. Philippines cũng cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và các chương trình chứng nhận đánh bắt, tăng cường hợp tác với Papua New Guinea để kiểm tra, kiểm soát và bao quát các hoạt động của đội tàu hoạt động ngoài vùng biển Philippines.
Sau Philippines, EC hồi tháng 1-2019 thông báo gỡ "thẻ vàng" IUU cho Thái Lan do nước này đã thành công trong xử lý những thiếu sót của hệ thống hành chính và pháp lý thủy sản của nước này. Kể từ khi bị áp "thẻ vàng" IUU vào tháng 4-2015, Thái Lan đã sửa đổi khung pháp lý ngành thủy sản cho phù hợp luật pháp quốc tế về việc đánh bắt; củng cố cơ chế kiểm soát đội tàu cá quốc gia và tăng cường hệ thống giám sát từ xa cũng như có kế hoạch kiểm tra chặt chẽ tại cảng...
X.Mai
Bình luận (0)