Đó là tình cảnh chung của nhiều công nhân (CN) ở các khu công nghiệp (KCN) tại TP HCM và các tỉnh lân cận, cũng là tình trạng chung của CN các KCN ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đã gây ra những tác động đến kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong nỗ lực phòng chống dịch trên cả nước, đông đảo người lao động (NLĐ) nước ta còn đối diện những nỗi vất vả khác về việc làm, thu nhập, cùng những nỗi lo toan về đời sống thường ngày.
Với các thầy cô giáo, nhà trường tạm đóng cửa cũng có nghĩa nguồn thu nhập sẽ bị giảm đáng kể, khi không có thêm các nguồn thu khác để hỗ trợ cho giáo viên ngoài tiền lương căn bản. Nhiều NLĐ làm việc trong các ngành dịch vụ, vận tải, du lịch cũng bị giảm thu nhập đáng kể vì các cơ sở dịch vụ ngày càng vắng khách, các khách hàng liên tục hủy tour, khách cũng hạn chế đi lại trong những ngày cao điểm của mùa dịch.
Còn với các doanh nghiệp (DN), báo cáo nhanh về tình hình ảnh hưởng từ dịch Covid-19 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết tính đến ngày 12-2, số liệu tổng hợp từ 30/63 tỉnh, thành trên cả nước ghi nhận có 322 DN tạm dừng hoạt động, 553 DN giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất - kinh doanh. Trong tổng số hơn 5.000 hợp tác xã (HTX) báo cáo, có 25 HTX tạm dừng hoạt động, 5 HTX giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất - kinh doanh.
Về số lao động bị ảnh hưởng theo ngành kinh tế, báo cáo nhanh của 22/63 tỉnh, thành cho thấy có gần 9.000 NLĐ bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 3.200 lao động trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản; hơn 2.200 lao động thuộc lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; lĩnh vực vận tải, kho bãi có hơn 1.100 người. Đặc biệt, khoảng 1.000 lao động thuộc lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đã bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19…
Đó là chỉ mới gần một nửa tỉnh, thành trên cả nước, thực tế số NLĐ bị ảnh hưởng trong cả nước sẽ cao hơn nhiều lần, một thực trạng phải chấp nhận và tìm cách tháo gỡ để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây nên. Từng bước, các đơn vị, DN tìm cách vượt khó; từng NLĐ cùng gia đình cũng "thắt lưng buộc bụng", thu vén chi tiêu. Chính phủ và các cơ quan hữu trách cũng kịp thời có các giải pháp hỗ trợ để DN trụ vững và đi tới. Trong khó khăn do dịch bệnh gây ra càng phải lạc quan, tự tin sẽ chiến thắng dịch bệnh. Thật đáng tự hào khi Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận Việt Nam đã xử lý dịch Covid-19 rất tốt.
Hơn lúc nào hết, rất cần nỗ lực của từng cá nhân trong phòng chống dịch bệnh, thu vén cuộc sống phù hợp hoàn cảnh, kiên trì vượt khó... cùng những hành động tích cực của Chính phủ, của từng địa phương, bảo đảm an toàn cho người dân đi liền với bảo đảm sản xuất - kinh doanh, ổn định tâm lý tiêu dùng và tâm lý DN. Đất nước ta sẽ đi qua dịch bệnh Covid-19 với tổn thất thấp nhất và giữ được các mục tiêu tăng trưởng.
Bình luận (0)