Đã gần 3 năm kể từ sự kiện Công ty Xăng dầu IQ8 của Tổng Giám đốc Hiroaki Honjo (Nhật Bản) trở thành thương nhân phân phối nước ngoài đầu tiên trong hệ thống xăng dầu Việt Nam khi trình làng cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội nhờ cam kết với Chính phủ trong dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), đến nay, thị trường xăng dầu vẫn thuần Việt với lối điều hành giá kiểu mệnh lệnh vì mục đích bình ổn thị trường.
Sẽ hết thời bảo hộ
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu với nội dung cho phép mọi thương nhân kinh doanh xăng dầu có tổ chức hoạt động sản xuất xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) nhưng không quá 35% được coi là động thái thắp lại hy vọng về một thị trường xăng dầu cạnh tranh và có lợi cho người tiêu dùng.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương nhìn nhận một trong những lý do khiến đề xuất nới cửa cho NĐTNN tham gia thị trường xăng dầu được đưa ra muộn màng là bởi cần thời gian cân nhắc kỹ thời điểm mở cửa phù hợp. Đặc biệt là năm 2007, khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam không cam kết mở cửa đối với mặt hàng xăng dầu để doanh nghiệp (DN) trong nước có cơ hội lớn mạnh, xây dựng cơ sở vật chất và trấn giữ những vị trí quan trọng của hệ thống phân phối trong nước. "Đến nay, sau 13 năm gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế trọng yếu trên thế giới. Việt Nam cũng đã mở cửa cho NĐTNN được phép tham gia đầu tư vào hầu hết lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, như điện lực, dầu khí, ngân hàng, hàng không. Đối với lĩnh vực xăng dầu, sau thời gian bảo hộ, về cơ bản DN trong nước đã tổ chức được hệ thống phân phối rộng khắp và bắt đầu có nhu cầu phát triển lớn mạnh hơn, chuyên sâu hơn, đầu tư các kho, cầu cảng chuyên dụng và đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, pha chế - lĩnh vực đòi hỏi vốn rất lớn để chủ động nguồn cung trong nước nên cần thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài" - lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước giải thích.
Thực tế, nhiều DN nhà nước trọng yếu trong lĩnh vực này đều đã được cổ phần hóa và đều được Thủ tướng cho phép chuyển nhượng cho NĐTNN với tỉ lệ khác nhau, như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) 20%, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) 35%, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS) 49%... Sự tham gia của NĐTNN vào DN kinh doanh xăng dầu đã góp phần cải thiện đáng kể công tác quản trị DN, giúp minh bạch hơn các báo cáo tài chính; qua đó nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giúp cho giá trị DN gia tăng thông qua giá trị cổ phiếu.
Ngoài DN nhà nước đã được Thủ tướng cho phép bán cho NĐTNN khi cổ phần hóa thì trên thực tế, còn hàng ngàn DN thuộc các thành phần kinh tế khác đang tham gia kinh doanh xăng dầu. Trong đó có nhiều công ty cổ phần hoạt động đa ngành đã niêm yết trên sàn chứng khoán cũng mong muốn chuyển nhượng cổ phần cho NĐTNN. Ngược lại, NĐTNN quan tâm đến cổ phiếu của công ty đó nhưng đều gặp khó khăn vì thiếu quy định rõ ràng, cụ thể.
"Do đó, việc rà soát bổ sung nội dung cho phép DN kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng vốn cho NĐTNN là phù hợp với thực tế đã phát sinh và nhu cầu phát triển của ngành này trong nước. Hạn định 35% vừa giải quyết được vấn đề thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị DN vừa giới hạn được mức độ can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN trong nước" - lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nói thêm.
Người tiêu dùng kỳ vọng sẽ được lợi khi thị trường bán lẻ xăng dầu có thể sẽ nới rộng cho nhà đầu tư ngoại tham gia. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chưa đủ tạo cạnh tranh
TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, đánh giá việc cho phép NĐTNN mua cổ phần của DN kinh doanh xăng dầu có tổ chức hoạt động sản xuất đã thể hiện tư duy dần thông thoáng hơn trong điều hành thị trường này. Tuy nhiên, nếu chỉ cho DN đầu mối có hoạt động sản xuất được mở cửa cho nước ngoài thì sẽ chỉ cải thiện được khâu quản trị, thu hút công nghệ, nâng cao chất lượng sản xuất và dịch vụ chứ không có tác động đến việc đưa giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu về cơ chế cạnh tranh. "Tỉ trọng xăng dầu nhập khẩu vẫn rất cao dù trong nước đã thúc đẩy sản xuất, chế biến thông qua xây dựng, vận hành hàng loạt nhà máy lọc hóa dầu. Như thế, dù tăng cường tư nhân hóa, đặc biệt đưa NĐTNN tham gia vào DN xăng dầu có hoạt động sản xuất trong nước không có ý nghĩa nhiều đối với giá bán lẻ, mà điều này mới quan trọng với người tiêu dùng" - ông Sơn bình luận.
Chuyên gia này góp ý: Thị trường xăng dầu cần được mở rộng hơn nữa theo hướng cho NĐTNN tham gia nhiều hơn vào tất cả các khâu từ nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ… Trong đó, nhập khẩu xăng dầu là khâu rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến tính toán giá bán lẻ xăng dầu. Do vậy, để thị trường thực sự có cạnh tranh thì nên mở cửa ở khâu này. "Giá bán lẻ xăng dầu phụ thuộc hoàn toàn bán buôn nên sẽ không có giá bán lẻ cạnh tranh nếu như bán buôn không được đẩy mạnh cạnh tranh hóa. Mặt khác, nếu mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nội - ngoại dễ dàng tham gia kinh doanh mặt hàng này mà vẫn khống chế 1 giá như hiện nay bằng việc nhà nước tính toán, công bố giá để mọi DN áp dụng theo thì vẫn không có ý nghĩa cạnh tranh, người tiêu dùng chưa được lựa chọn bên bán có lợi nhất cho mình" - ông Nguyễn Thành Sơn lưu ý thêm.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh (DN kinh doanh xăng dầu ở TP Đà Nẵng), kiến nghị xem xét nới rộng hơn tỉ lệ chuyển nhượng cổ phần cho NĐTNN lên mức cao hơn 35%. Theo ông Phúc, không ít nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường xăng dầu Việt Nam nhưng tỉ lệ góp vốn quá ít khiến họ không mặn mà bỏ công sức đầu tư. Như vậy, dù đưa ra quy định cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng vốn cho NĐTNN để thu hút công nghệ, vốn… thì nhiều khả năng mức độ thu hút được vẫn không cao.
Cần thay đổi cách điều hành giá hiện nay
Về góc độ xây dựng thị trường cạnh tranh để người tiêu dùng hưởng lợi, ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng bản dự thảo chưa đưa ra được vấn đề cốt lõi là cần thay đổi cách điều hành giá hiện nay. Ông phân tích: "Thị trường chỉ có giá cạnh tranh khi để DN tự điều tiết giá theo chu kỳ ngắn, sát với biến động giá thế giới. Chu kỳ 15 ngày hiện nay là lỗi thời, dự thảo đưa ra thêm một phương án là điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày, tôi cho rằng vẫn chưa ổn. Nếu đã có định hướng thị trường hóa thì nên điều chỉnh giá xăng dầu 7 ngày/lần và trao nhiều quyền tự quyết về giá hơn nữa cho DN. Nhà nước chỉ định hướng và điều hành ở mức độ vĩ mô, lưu ý kiểm soát an ninh năng lượng, không nên can thiệp vào giá".
Bình luận (0)