Một trong những địa chỉ nổi danh ở làng gốm Biên Hoà từ lâu đó chính là làng gốm Tân Vạn (phường Tân Vạn, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Phải rất khó khăn để có thể tìm được lò gốm còn sót lại của làng gốm trứ danh vì hiện nay gần như các cơ sở sản xuất gốm đa số đã đóng cửa.
Trong khuôn viên rộng khoảng hơn 500 mét vuông, nhân công chỉ đếm trên đầu ngón tay vỏn vẹn được 5 đến 10 người đang làm việc. Các công nhân được phân chia làm ở nhiều công đoạn nhưng ai cũng toàn thân lấm lem bùn đất.
Gặp gỡ chú Bùi Thanh Tân (SN 1965, một nghệ nhân làm gốm có thâm niên gần 20 năm) cho biết: "Ngày xưa nhà mình làm mỹ nghệ rồi sau này mình đeo riết nghề truyền thống này tới giờ. Mới đầu làm cũng gian nan lắm mà về sau rồi mình rút kinh nghiệm từ cái chỗ đó mới làm được. Nguyên liệu để làm gốm là lấy từ đất núi và đất ruộng trộn lẫn mới có độ dẻo như vậy. Phải lựa đất già chứ non đất không làm được. Ở Tân Vạn này là đầu tiên nhất nếu nói về lu gốm, trước là làm chủ yếu để người dân mình xài. Bây giờ khoảng 8-9 năm đổ về đây là xuất ra các nước ở thế giới, người ta chuộng hơn dân mình ở đây. Bây giờ chỉ còn khoảng 5-6 cơ sở mà nghe nói là năm sau dẹp đây không biết sao. Hồi trước ở Tân Vạn này nói về cơ sở làm gốm là nhiều lắm. Chắc riết cái nghề mình không còn là nghề truyền thống nữa quá. Đam mê mình mới làm, chớ tuổi trẻ nó đâu làm nữa đâu em...
Hiện nay, nghề làm gốm ở Biên Hòa chỉ còn tập trung tại các phường Bửu Long, Tân Vạn, xã Tân Hạnh và Hóa An của TP Biên Hòa với hơn 40 cơ sở lớn nhỏ cùng với những mẫu mã độc đáo xuất khẩu trong và ngoài nước mang lại giá trị kinh tế.
Thế nhưng, hiện nay người lao động trẻ không còn mấy ai mặn mà với cái nghề được lưu truyền từ cha ông này.
Đó là lý do nhiều người lo ngại làng gốm 300 năm tuổi nổi tiếng thế giới này sẽ mai một...
Bình luận (0)