Trở lại chợ Bến Thành, quận 1, TP HCM vài ngày sau chuyện lùm xùm du khách người Nhật bị nói thách 3 đôi tất giá 700.000 đồng, chúng tôi ngạc nhiên khi chuyện nói thách, hét giá vẫn diễn ra hết sức bình thường.
Như... cơm bữa
Chợ Bến Thành cũng là điểm đến du lịch nổi tiếng bậc nhất TP HCM.
Hòa vào dòng người mua sắm, chúng tôi ghé sạp H.V. Thấy chúng tôi quan tâm một mẫu ví giả da màu trắng, giá niêm yết 1,3 triệu đồng, sau vài câu trả giá, người đàn ông đứng quầy chốt giá 600.000 đồng. "Người Việt với nhau cả, em thích thì anh để giá đó cho dễ mua" - người này nói và khoe vừa bán một cái tương tự cho khách nước ngoài với giá 900.000 đồng.
Tại một sạp chuyên bán các mặt hàng nón, túi xách, bóp cầm tay thủ công, sau một hồi trả giá và được giới thiệu là "giảm giá 50%", 2 du khách người Malaysia chọn mua 1 túi đeo bằng mây tre giá 400.000 đồng (giá niêm yết 826.000 đồng). Chúng tôi khen mẫu túi đẹp, lập tức người bán đưa ra 1 cái tương tự nhưng kích thước nhỏ hơn, niêm yết giá 912.000 đồng và báo giá 250.000 đồng. "100.000 đồng bán không?" - tôi hỏi và nhận được cái lắc đầu: Giá cuối 240.000 đồng.
Còn tại một sạp bán quần áo, chúng tôi mua cái áo thun thể thao được quảng cáo là hàng gia công xuất khẩu, giá 110.000 đồng (giá ban đầu 180.000 đồng). Cũng cái áo này, sạp gần đó báo giá 100.000 đồng, còn chợ An Đông bán 70.000 đồng.
Chuyện nói thách ở chợ Bến Thành không mới, có thể nói là phổ biến như cơm bữa và được ví là "đặc sản" của chợ này. Tuy nhiên, tiểu thương vẫn nói thách giá trên trời để "bẫy" khách hàng, trong lúc một tiểu thương ở chợ này vừa bị đình chỉ kinh doanh từ ngày 25 đến 31-8 vì hành vi vi phạm không niêm yết giá đầy đủ, rõ ràng; có hành vi thách giá và nài ép khách. Đặc biệt, trong những ngày qua, ngày 2 lần (sáng và chiều), hành vi vi phạm lẫn hình thức chế tài đối với tiểu thương này được phát ra rả trên loa phát thanh của chợ để nhắc nhở, răn đe tiểu thương toàn chợ, nhưng tiểu thương vẫn bỏ ngoài tai.
Khách hàng mua sắm ở chợ Bến Thành, TP HCM Ảnh: Thanh Nhân
Khó kiểm soát?
Đem trải nghiệm bị nói thách phản ánh với ban quản lý chợ, chúng tôi được một nữ cán bộ ban quản lý chợ cho biết bản thân bà cũng rất bức xúc khi trực tiếp kiểm chứng cùng một mặt hàng nhưng một sạp niêm yết giá 80.000 đồng, sạp kia là 300.000 đồng. Việc một bộ phận tiểu thương nói thách, hét giá không chỉ gây khó khăn cho ban quản lý chợ trong việc quản lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm xấu hình ảnh chợ mà còn ảnh hưởng đến những tiểu thương chấp hành đúng quy định về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết.
"Chợ đã phục hồi khoảng 80% so với trước dịch COVID-19. Một số tiểu thương vì lợi ích trước mắt mà nói thách, hét giá làm ảnh hưởng chung đến toàn chợ. Cái khó là ban quản lý chợ không kiểm soát được giá hàng hóa đầu vào của tiểu thương nên chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể chế tài, nếu không có khách hàng phản ảnh" - nữ cán bộ này nói thêm.
Cũng theo Ban Quản lý chợ Bến Thành, ban quản lý thường xuyên tuyên truyền tiểu thương và thương nhân kinh doanh tại chợ niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết. Nếu có phản ánh của khách hàng, ban quản lý sẽ mời tiểu thương lên làm việc và lập biên bản. Tùy mức độ vi phạm mà sẽ cảnh cáo, phê bình, đình chỉ kinh doanh. Chế tài cao nhất là đình chỉ kinh doanh 7 ngày. Nếu hộ kinh doanh vi phạm quá nhiều lần thì ban quản lý sẽ đề xuất rút giấy phép kinh doanh.
Theo bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, nhà nước đã có quy định người kinh doanh ở chợ phải đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. "Trường hợp khách mua hàng không đúng chất lượng hoặc giá quá cao so với giá thực tế thì có thể khiếu nại đến ban quản lý chợ" - bà Thu lưu ý và nói thêm cơ quản quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm để bảo đảm việc kinh doanh đúng quy định, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Còn theo Sở Công Thương TP HCM và Sở Tài chính, đoàn kiểm tra liên ngành hoặc đoàn kiểm tra của các quận, huyện đều có thẩm quyền xử phạt hành vi nói thách, nài ép giá và bán giá không đúng quy định. Sở Công Thương đều đề nghị các chợ, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Riêng chợ truyền thống thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của các quận, huyện nên quận, huyện sẽ chịu trách nhiệm nhắc nhở ban quản lý chợ tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh các hành vi vi phạm.
Khảo sát một số chợ lẻ tại TP HCM cũng thấy tình trạng nói thách, chèo kéo khách, gây bức xúc cho khách hàng. Chị Ngọc Thùy, ngụ quận Bình Thạnh, từng phải nhờ Ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) can thiệp để được trả hàng, lấy lại tiền. "Tôi bị chèo kéo dữ dội. Thái độ họ rất hùng hổ, tôi buộc phải mua một cái áo giá gần 200.000 đồng nhưng ngay lập tức phản ánh với ban quản lý chợ. Lần đó lấy lại tiền nhưng tôi bị sốc, ấn tượng xấu về cách buôn bán ở chợ" - chị Ngọc Thùy phản ánh.
Ông Trần Cao Trí, Trưởng Ban Quản lý chợ Đa Kao (quận 1), cho biết chợ bán lẻ ế ẩm nên tiểu thương phải cố gắng giữ khách bằng nhiều cách. Trừ một vài chợ là điểm đến du lịch nên có đặc thù riêng, còn lại phần lớn khách vào chợ đều là khách quen nên tiểu thương khó có thể nói thách nhiều. Ông Nguyễn Thành Châu, Trưởng Ban Quản lý chợ Thái Bình (quận 1), cũng xác nhận hàng hóa buôn bán trong chợ đều được niêm yết giá theo quy định. Tiểu thương không dám nói thách, thậm chí còn phải bán dưới giá niêm yết, chấp nhận chịu lỗ vài ngàn đồng để giữ khách.
Tránh hình ảnh xấu xí cho du lịch
Ông Thái Doãn Hồng, Giám đốc Công ty Du lịch Thanh Thanh, cho biết chợ Bến Thành là một trong những điểm đến truyền thống và yêu thích của khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Trong đó, du khách từ một số thị trường lại thích trả giá nên việc nói thách không ảnh hưởng quá lớn. Có điều, nói thách hoặc "chặt chém" như YouTube người Nhật phản ánh thì không thể chấp nhận được. Ở nước ngoài cũng có thể trả giá nhưng thường khoảng 20%-30%.
Theo các doanh nghiệp du lịch, khi ngành du lịch Việt Nam đang chuẩn bị vào cao điểm đón khách quốc tế dịp cuối năm, rất cần giữ chân du khách bằng chất lượng, sản phẩm, dịch vụ tốt, giá cả phải chăng.
T.Phương
Bình luận (0)