Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện rõ tính cách xông xáo, cụ thể và thẳng thắn trong chỉ đạo điều hành Chính phủ. Đến nay, ông vẫn giữ được phong cách này.
Chưa chuyển động cùng nhịp điệu
Tuy nhiên, không chỉ các đại biểu Quốc hội, nhiều cử tri rất tinh ý đã sớm nhận thấy một bộ phận trong các cấp thừa hành trực tiếp của Thủ tướng ở trung ương và địa phương đã không chuyển động cùng nhịp điệu với người đứng đầu hành pháp. Nhân dân và báo chí đã "sáng tạo" ra thuật ngữ "trên nóng, dưới lạnh" để chỉ hiện tượng này.
Một ví dụ là ngay tháng 6-2016, khi ông mới vừa nhậm chức, nhân dân rất hoan nghênh việc Thủ tướng ra lệnh "đóng cửa rừng tự nhiên". Tuy nhiên, người dân lại rất lo lắng khi thấy trên thực tế, mệnh lệnh không được chấp hành nghiêm. Tại Báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện lệnh "đóng cửa rừng tự nhiên", Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thừa nhận: Tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương với các thủ đoạn ngày càng tinh vi (tuy quy mô không lớn). Một bộ phận cán bộ quản lý còn thiếu trách nhiệm trong công tác, thậm chí còn tiếp tay cho phá rừng, buôn lậu gỗ, lâm sản. Một số địa phương ở Tây Nguyên không thể giải quyết dứt điểm được nạn phá rừng, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng nghiêm trọng, cần phải đề nghị Bộ Công an phối hợp, hỗ trợ để điều tra, xử lý.
Từ 3 năm qua, thật hiếm khi trong lịch sử đầu tư công ở nước ta, có tình trạng "giải ngân vốn đầu tư công chậm, thấp", dù Chính phủ đã đôn đốc liên tục, thậm chí đến mức phải yêu cầu xem xét kỷ luật. Những chủ trương như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu phí giao thông tự động, xử lý tòa nhà số 8B Lê Trực, hoàn thành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông… cũng đều gặp tình trạng chậm trễ.
Chính Thủ tướng cũng sớm nhận rõ điều này. Tháng 8-2016, tại phiên họp Chính phủ ngay sau khi nhậm chức, ông dẫn lời một đại biểu Quốc hội cho rằng "con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói đến hành động" và yêu cầu các thành viên Chính phủ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhà nước, nhân dân, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, đồng thời yêu cầu thành lập ngay tổ công tác theo dõi thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.
Hòa cùng nỗ lực của Chính phủ, TP HCM đã phấn đấu xây dựng TP đạt nhiều chỉ tiêu quan trọngẢnh: Tấn Thạnh
Tháng 12-2017, tại hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai công tác 2018, Thủ tướng bức xúc phát biểu: "Đã nói là làm và làm ngay, cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực, thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm cần thay thế. Phải liên tục thay đổi, sử dụng nguồn lực hiệu quả tốt nhất".
Tháng 11-2018, chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ để thảo luận nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, ông yêu cầu các thành viên Chính phủ "phải có tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hành động và hành động hơn nữa để phục vụ nhân dân, thể hiện khát vọng dân tộc, phải bàn tiến chứ không bàn lùi".
Tháng 12-2019, tại Hội nghị tổng kết Chính phủ với các địa phương, ông yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh phải kiểm soát việc cấp dưới nhũng nhiễu và phải chấm dứt tình trạng cửa quyền, hù dọa doanh nghiệp, khắc phục tình trạng nói nhiều quá mà không hành động.
Phải triệt hiện tượng "trên nóng, dưới lạnh"
Sự bức xúc, quan ngại của Thủ tướng về tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đã được ông thể hiện một cách thẳng thắn và gay gắt khi trả lời chất vấn tại Quốc hội vào tháng 6-2019. Thủ tướng yêu cầu không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước; không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải bảo đảm hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất. Thủ tướng nhấn mạnh: "Những khó khăn, thách thức phía trước là không hề nhỏ. Trong đó, thách thức lớn nhất hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế. Thách thức lớn nhất của chúng ta chính là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm".
Nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cho rằng tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" đã không còn là một hiện tượng cá biệt hay ngắn hạn. Nếu không được khắc phục triệt để, nó sẽ trở thành một lực cản không nhỏ đối với các chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu tăng trưởng hằng năm và sẽ làm chậm bước của Việt Nam trong mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hóa mới (NIC); làm tăng nguy cơ mắc kẹt trong "bẫy thu nhập trung bình", triệt tiêu triển vọng gia nhập "thế giới thứ nhất", mà Singapore đã đạt được từ hơn 2 thập kỷ nay.
Cùng hành động vì nước, vì dân
Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: Không để tình trạng nói nhiều mà không làm; phải hành động, không lý thuyết suông nữa! Phát biểu ấy như một thông điệp, một đòi hỏi của người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC). Đó cũng chính là đòi hỏi của người dân, của cuộc sống.
Mặc dù năm qua đất nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho sự phát triển. Người dân chưa hài lòng trước tình trạng trì trệ của bộ máy, sự chậm trễ trong hành xử những vấn đề của dân, nhiều công trình dân sinh chậm tiến độ (kể cả những công trình trọng điểm, mang tính đột phá)…
Nguyên nhân sâu xa do không ít chính sách pháp luật chồng chéo, xung đột, do chức năng và nhiệm vụ không rõ ràng, một số cán bộ lãnh đạo còn nặng thành tích, sợ trách nhiệm. Trong thực tế CB-CC, nhất là ở quận/huyện, phường/xã chịu nhiều áp lực và bị rủi ro khi thi hành công vụ. Một ít trong số đó đã xin nghỉ việc. Việc tháo gỡ, một mặt cần có sự mạnh dạn đề xuất, kiến nghị của địa phương, cơ sở từ thực tiễn, từ việc đề nghị làm thí điểm, từ các điển hình, mô hình có sức thuyết phục. Mặt khác, cấp trên cần sâu sát, lắng nghe, tháo gỡ, kể cả bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích nhân dân, không tư túi, vụ lợi.
Thẩm quyền cấp trên trong tháo gỡ những vướng mắc của chính sách pháp luật là rất quan trọng và cần làm nhanh để tạo sự chuyển động chung của cả bộ máy. Riêng ở lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai, nhà ở… đã có thể nói rằng có 20 điểm nghẽn cần phải xem xét, tháo gỡ.
Đối với CB-CC-VC TP HCM, nơi có truyền thống năng động, sáng tạo sẽ hành động với tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Trong tình hình hiện nay, khi chính sách pháp luật còn có những quy định chưa phù hợp với thực tiễn, áp dụng kiểu "xé rào", "cởi trói" như thời trước đổi mới mà đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt từng làm, cũng là việc không dễ dàng. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng có cách để giải bài toán khó. Dựa vào dân, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, của người lao động, của đội ngũ trí thức, doanh nhân… là cực kỳ to lớn. Học cách làm của dân, học cách lắng nghe một cách thực chất những hiến kế, góp ý của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng chủ trương, chính sách pháp luật… sẽ có được những chỉ dẫn quý báu.
Từ trung ương đến địa phương, cơ sở, tất cả cùng hành động với trách nhiệm cao, nhất là việc tháo gỡ nhanh những vướng mắc, sẽ thúc đẩy sự tăng tốc phát triển, vì hạnh phúc nhân dân, nhất định chỉ số hài lòng của người dân sẽ được nâng lên.
Phạm Phương Thảo (nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM)
Cần chung vai, góp sức
Thủ tướng còn không đầy 2 năm để hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu của nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Trong khi tiếp tục thực thi giám sát và chất vấn Thủ tướng theo chức năng, quyền hạn hiến định, yêu cầu Thủ tướng kiên quyết hơn, không ngại kỷ luật các tổ chức, cá nhân "sợ, ngại, né" trách nhiệm dẫn đến trì trệ trong công vụ, không chấp hành các chỉ đạo của Thủ tướng, các đại biểu Quốc hội, trong khuôn khổ chức năng, quyền hạn và dựa vào cử tri, cần chung vai, góp sức với Thủ tướng trong việc khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Bình luận (0)