Ông Nguyễn Thành - 45 tuổi, ngụ quận 6, TP HCM - kể do có nhu cầu chạy ôtô công nghệ nhưng tiền không nhiều nên ông tìm mua xe đã qua sử dụng. Mọi chuyện êm xuôi cho đến khi xe hết hạn đăng kiểm, ông Thành đến làm thủ tục thì nhận được cảnh báo phương tiện không được phép đăng kiểm vì "dính" vi phạm hành chính qua hình ảnh hay còn gọi là "phạt nguội".
Quýt làm cam chịu
Ðiều khiến ông Thành ngỡ ngàng chính là số lần chạy quá tốc độ, không bật đèn chiếu gần khi qua hầm vượt sông Sài Gòn và các vi phạm khác liên quan đến đậu, đỗ sai quy định lên đến 12 lần với tổng số tiền phải đóng phạt hơn 60 triệu đồng. Theo thông báo, yêu cầu xe muốn đăng kiểm phải liên hệ Phòng CSGT Ðường bộ - Ðường sắt (PC08) Công an TP HCM nhận quyết định xử phạt và văn bản thông báo bỏ cảnh báo. "Ðiều này đồng nghĩa với việc nếu muốn xe tiếp tục lưu hành tôi phải đóng tiền phạt, trong khi thời điểm bị "phạt nguội" là trước lúc tôi ký hợp đồng mua bán xe và sang tên" - ông Thành bức xúc nói.
Không chấp nhận sự việc "quýt làm cam chịu" trên, ông Thành liên lạc với người chủ cũ phương tiện. Tuy nhiên, đầu dây điện thoại bên kia từ chối việc này. Người này phân bua, phương tiện này họ cũng cho một HTX thuê để chạy dịch vụ xe công nghệ. Bản thân chủ cũ không phải là người điều khiển nên việc bị phạt nguội không biết (!?). Nếu không nộp phạt, xe ông Thành sẽ không được lưu thông trên đường.
Không chỉ riêng ông Thành, hiện trên các diễn đàn về ôtô, rất nhiều người rơi vào tình cảnh mua xe cũ mà không biết phương tiện này đã có "tì vết" về lỗi vi phạm. Đến khi mang đi đăng kiểm mới té ngửa. Trong khi hầu hết chủ xe cũ sau khi bán đều chối bỏ về việc bị dính "phạt nguội".
Ông Ngô Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Ðăng kiểm xe cơ giới 50-07V (Cục Ðăng kiểm), nói ông chứng kiến nhiều trường hợp chủ phương tiện bị trung tâm từ chối đăng kiểm do chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm giao thông. "Theo quy định, đơn vị đăng kiểm sau khi nhận thông báo từ cơ quan công an chỉ có giải pháp từ chối nhằm nâng cao việc hỗ trợ xử lý trong "phạt nguội", chứ không còn cách nào khác" - ông Sơn nhấn mạnh.
Trở lại câu chuyện của ông Thành, sau khi bấm bụng đóng hơn 60 triệu đồng tiền phạt để "cứu cần câu cơm của gia đình", ông cũng không hết nỗi bất bình. Ông đặt câu hỏi: Tại sao các cơ quan chức năng không đưa quy định xe phải hoàn tất nộp phạt mới được sang tên vào phần thủ tục mua bán?
CSGT TP HCM ghi hình các trường hợp dừng, đỗ không đúng quy định để “phạt nguội”
Cảnh sát giao thông nói gì?
Một lãnh đạo Ðội Ðăng ký xe của PC08 Công an TP HCM cho biết thủ tục quy định sang tên, đổi chủ chỉ yêu cầu có giấy tờ xe, thuế, hợp đồng mua bán hoặc cho tặng, không yêu cầu phải thực hiện việc đóng tiền do vi phạm bị "phạt nguội". Theo quy định, thời gian hoàn tất thủ tục hồ sơ chỉ trong 2 ngày, nên quy trình phải làm rất nhanh.
Tương tự, theo trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng PC08, khi mua lại xe cũ, người mua phải có trách nhiệm kiểm tra lại phương tiện nói trên đã vi phạm về các lỗi bị "phạt nguội" hay chưa. Từ đó, yêu cầu chủ xe phải tiến hành chấp hành việc xử phạt. "Trong quy định sang tên không nêu rõ vấn đề phải thực hiện quyền nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông, tuy nhiên cả hai phải thỏa thuận nhau để tránh rắc rối về sau" - trung tá Nguyễn Văn Bình khuyến cáo.
Theo trung tá Nguyễn Văn Bình, hiện Công an TP HCM đã công khai các thông tin liên quan đến các phương tiện vi phạm, trong đó ghi rõ thời điểm, lỗi và vị trí vi phạm. Người dân có thể truy cập tại địa chỉ http://csgt.catphcm.bocongan.gov.vn/. Tại đây, bấm vào mục "tra cứu" và nhập biển kiểm soát phương tiện, nếu xe không có vi phạm, hệ thống sẽ hiển thị thông tin trên trang thông tin điện tử là "Chúc mừng. Không tìm thấy lỗi vi phạm của bạn. Mong bạn tiếp tục tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và lái xe an toàn". Trong trường hợp phương tiện đó có vi phạm thì hệ thống sẽ hiển thị thông tin trên trang thông tin điện tử là số lần vi phạm của phương tiện.
Theo ông Thành, quy định thì ông chấp hành nhưng ông cũng không hoàn toàn đồng tình với cách giải thích trên, bởi lẽ ai cũng thấy đây là một lỗ hổng cần vá và đơn vị vá dễ nhất chính là CSGT. "CSGT là đơn vị ra thông báo phạt cũng là đơn vị cấp mới giấy tờ xe nên chỉ cần lên hệ thống là phát hiện ra ngay xe đó có dính lỗi "phạt nguội" hay không để người mua và người bán tiện bề thương lượng hoặc quyết định dừng mua bán nếu không đạt được thỏa thuận" - ông Thành hiến kế. Ông nói không phải ai cũng biết cách lên mạng tra cứu.
Ðồng tình, luật sư Nguyễn Anh Minh (Ðoàn Luật sư TP HCM) phân tích thêm để tránh xảy ra tình huống trớ trêu trên, đơn vị đăng ký xe thuộc PC08 phải có trách nhiệm kiểm tra và thông báo cho người dân được biết, bởi đôi khi chính chủ cũ không biết được thông tin về việc phương tiện bị phạt nguội. "Không thể đẩy trách nhiệm về phía người dân. Cơ quan quản lý ngoài dùng biện pháp ngăn chặn không cho đăng kiểm thì khi làm các thủ tục liên quan đến thay đổi thông tin, chủ sở hữu phải cung cấp dữ liệu cho người dân nắm là việc phải làm và cần làm" - luật sư Minh nêu quan điểm.
Hàng trăm trường hợp bị "phạt nguội" mỗi ngày
Theo PC08 Công an TP HCM, từ ngày 15-12-2020 đến nay, đơn vị này đã ghi hình và trích xuất trên 50.000 trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh. Qua đó có trên 7.000 trường hợp đã thực hiện quyết định xử phạt với số tiền trên 7 tỉ đồng. Theo thống kê, từ khi áp dụng việc "phạt nguội", tỉ lệ chấp hành đóng phạt chỉ chiếm từ 10%-20%. Số còn lại vẫn chây ì hoặc chưa liên lạc được chủ phương tiện vì nhiều nguyên nhân.
Trong khi đó, trong năm 2020, tỉ lệ chấp hành xử phạt đạt 27%, số không thực hiện chưa có các biện pháp chế tài bổ sung, ngoài việc phối hợp với đăng kiểm.
Bình luận (0)