Chiều nay (28-9), tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sẽ diễn ra hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 năm 2020 với chủ đề "Miền Trung - Tây Nguyên - Vượt thách thức, tăng trưởng giá trị nông sản, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại".
Thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững
Dự kiến, khoảng 600 đại biểu tham dự hội nghị, trong đó có hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu, đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân trên cả nước.
Ban Tổ chức hội nghị đã tiếp nhận hơn 1.500 câu hỏi từ nông dân, hội nông dân các cấp, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp. Các câu hỏi, nội dung được gửi đến người đứng đầu Chính phủ tập trung vào các vấn đề về phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên...
Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trước diễn biến của đại dịch Covid-19.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn với tỉnh. Tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng Thủ tướng cùng các bộ, ngành sẽ đưa ra các giải pháp đồng bộ để chỉ đạo, định hướng cho nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Tỉnh cũng mong Thủ tướng và Chính phủ tạo cơ chế đặc thù cho các tỉnh Tây Nguyên quy hoạch ổn định về dân cư, xác lập các quyền làm chủ về nhà ở và đất canh tác, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh mong muốn Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư kết nối vùng, nhất là hạ tầng giao thông, để thu hút đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Trịnh Xuân Mười, người được mệnh danh là “Vua bơ” ở Tây Nguyên, nhận định người trồng bơ năm nay sẽ lỗ do bơ rớt giáẢnh: Cao Nguyên
Đời sống nông dân còn bấp bênh
Bà Phạm Thị Long (ngụ huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết mấy năm gần đây, giá cà phê giảm mạnh, từ gần 50.000 đồng/kg hiện còn 32.000 đồng/kg. Giá giảm sâu nhưng chi phí đầu tư lại tăng nên gần như người trồng cà phê không có lãi. "Chúng tôi kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ có những chính sách để hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho nông dân, nhất là khâu chế biến, đầu ra sản phẩm" - bà Long nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Nam (ngụ huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết do giá cà phê, hồ tiêu, cao su xuống thấp, nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái như sầu riêng, bơ, mít, na. Thế nhưng, giá những loại trái cây này cũng bấp bênh, trong đó giá bơ giảm mạnh. "Kiến nghị Thủ tướng có những chính sách nhằm định hướng cho nông dân ở mỗi vùng, mỗi địa phương nên đầu tư cây, con gì cũng như hỗ trợ giá một số loại cây, con chủ lực để nông dân ổn định cuộc sống" - ông Nam mong muốn.
Tỉnh Gia Lai, nơi được xem là thủ phủ hồ tiêu của Tây Nguyên, những năm qua chịu ảnh hưởng nặng nề do cây hồ tiêu chết trên diện rộng, giá rớt thê thảm. Người trồng hồ tiêu đa phần phải vay ngân hàng để đầu tư nên đang mong ngóng Thủ tướng chỉ đạo để người dân được khoanh nợ, giãn nợ.
Nhà bà Lê Thị Vui (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai) đang nợ ngân hàng hơn 4 tỉ đồng tiền đầu tư trồng hồ tiêu. Đến nay, 36.000 trụ tiêu đã chết khiến gia đình bà không còn khả năng trả nợ. Bốn người con của bà để các cháu lại cho ông bà nuôi rồi đi nơi khác kiếm kế sinh nhai, lấy tiền đóng lãi ngân hàng.
Theo bà Vui, từ năm 2017, bà và hơn 100 người khác đã làm đơn gửi lên chính quyền tỉnh Gia Lai đề nghị can thiệp, giúp đỡ người dân lúc khó khăn để có cơ hội phục hồi, kiếm tiền trả nợ ngân hàng. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho các NH thương mại khoanh nợ vốn vay của người dân vay đầu tư trồng hồ tiêu nhưng hồ tiêu bị chết nên chưa có khả năng trả nợ. Sau đó, NHNN trả lời rằng nếu các hộ dân trồng hồ tiêu bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng thì UBND tỉnh Gia Lai phải có văn bản công bố thiên tai, dịch bệnh. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ báo cáo Thủ tướng khoanh nợ đối với nông dân vay vốn trồng hồ tiêu bị thiệt hại.
Sau khi gửi đơn, chính quyền đã cho người về rà soát lại diện tích hồ tiêu chết để có biện pháp giãn nợ, khoanh nợ nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết quả gì. Vì vậy, nhiều người dân địa phương đã bỏ đi nơi khác kiếm sống. Hiện trung tâm huyện đìu hiu, ban ngày ra chợ vắng người, tối xuống đường phố sáng đèn nhưng chẳng mấy ai qua lại.
Liên kết "5 nhà" còn hạn chế
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên (tỉnh Đắk Lắk), cho biết để hạn chế rủi ro cho nông dân, cần phải có sự gắn kết giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hiện có rất ít chuỗi liên kết, doanh nghiệp và nông dân vẫn mạnh ai nấy làm nên rủi ro rất cao.
"Doanh nghiệp chúng tôi cũng bắt đầu hình thành các chuỗi liên kết với nông dân và cho thấy cả hai cùng có lợi. Nhà nước cần ưu tiên chọn các doanh nghiệp đầu tư trong chuỗi giá trị có khả năng chế biến sâu, có thương hiệu, thu mua sản phẩm bán trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối trong và ngoài nước để hỗ trợ về cơ chế, chính sách, cùng nhau phát triển" - bà Hương nhấn mạnh.
Bình luận (0)