xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nữ bác sĩ cấp cứu ngư dân

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Không chỉ nhiều lần vượt sóng gió để cấp cứu ngư dân gặp nạn giữa biển khơi, bà cũng không ngại xông pha trong những cơn bão lũ kinh khiếp hay đến hiện trường các vụ tai nạn thảm khốc để cứu người

Hơn 20 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, nữ bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng - SN 1965, Phó Giám đốc Trung tâm 115 TP Đà Nẵng - luôn dặn mình: Ở đâu cần cấp cứu, hãy đến đó cứu người.

Bất chấp hiểm nguy

Trò chuyện với chúng tôi trong phòng làm việc nhỏ xíu của Trạm Cấp cứu Hải Châu - Trung tâm 115 Đà Nẵng, bác sĩ Hồng kể lại những chuyến đi cứu người mà bà bảo không bao giờ quên được. Trong đó, đáng nhớ nhất là lần đầu tiên bà ra khơi cấp cứu sau gần 10 năm làm bác sĩ ở Trung tâm 115 Đà Nẵng.

"Năm 2007, trong một ca trực, tôi nhận được tin báo về một tàu vận tải nước ngoài gặp nạn trên biển. Tôi quyết định cùng kíp trực lên đường lập tức. Trên con tàu cứu nạn của Bộ đội Biên phòng, vừa rời cảng, tôi đã bắt đầu say sóng. Vì chưa hề đi tàu nên dù có sức khỏe và khá mạnh mẽ, tôi vẫn không chống chọi nổi những con sóng" - bà cho biết.

Tuy nhiên, khi tàu cứu nạn đến vùng biển mà tàu vận tải bị chìm, bác sĩ Hồng đã gượng dậy, nhanh chóng cấp cứu, hỗ trợ các thuyền viên. "Nhiều người hỏi tôi có phải khi cấp cứu là bất chấp những hiểm nguy khó lường? Tôi cho rằng bất cứ nơi nào có người gặp nạn, dù trên núi hay dưới biển, bác sĩ cấp cứu cũng không được ngại ngần" - bà bộc bạch.

Vì thế mà từ lần đi biển đầu tiên cho tới bây giờ, mỗi khi nghe tàu ngư dân gặp nạn trong kíp trực, bác sĩ Hồng đều lên đường ngay. Theo bà, đến nay, ngành y tế chưa có bất cứ văn bản nào khuyến cáo hay đề nghị các trung tâm 115 thực hiện việc cứu người trên biển. Dù vậy, Trung tâm 115 Đà Nẵng đã tiên phong thực hiện nhiệm vụ này.

"Không ai yêu cầu, không ai giao phó và ai cũng biết rằng cấp cứu trên bờ đã khó, cấp cứu trên biển còn khó vạn lần. Ngư dân trên biển cần bác sĩ hơn bao giờ hết nên mình không thể bỏ mặc họ" - bác sĩ Hồng thổ lộ.

Lần cứu nạn trên biển mà nữ bác sĩ này còn lưu giữ mãi trong ký ức là chuyến đi đến vùng biển Hoàng Sa. Khoảng 5 năm trước, trong một ca trực, bác sĩ Hồng nhận được tin báo có ngư dân bị tai nạn chấn thương sọ não khi đang đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa. Sau khi hướng dẫn ngư dân trên tàu cá sơ cứu cho nạn nhân, bác sĩ Hồng liền cùng kíp trực của Trung tâm 115 Đà Nẵng xuống tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 412 ra khơi.

"Chúng tôi biết ca bệnh này rất nặng, cần sự hỗ trợ của bác sĩ có tay nghề. Vượt trên 90 hải lý trong điều kiện thời tiết xấu, SAR 412 đánh vật với những cơn sóng lớn mới có thể tiếp cận được tàu có ngư dân gặp nạn. Suốt hành trình, liên tục đối mặt những cơn gió to sóng dữ, nhiều lúc tôi nghĩ có lẽ mình khó thể tìm được chiếc tàu có ngư dân gặp nạn. Vì thế, tôi mừng đến rơi nước mắt khi tiếp cận được tàu này" - bà Hồng kể.

Bác sĩ Hồng đã sơ cứu cho ngư dân gặp nạn nhưng anh bị chấn thương quá nặng. Thêm nữa, thời gian tiếp cận tàu quá lâu nên khả năng cấp cứu cho bệnh nhân càng thấp… Sau đó, ngư dân này được đưa vào bờ nhưng nằm bệnh viện điều trị 3 ngày thì tử vong. Với bác sĩ Hồng, đó là lần cấp cứu mà bà luôn day dứt, hối tiếc khi nhớ đến.

Đau đáu nỗi lo về những tai nạn trên biển thình lình ập tới gây họa cho ngư dân, bác sĩ Hồng đã đưa ra chương trình tập huấn sơ cấp cứu cho những người đi biển ở TP Đà Nẵng. Ý tưởng này được thực hiện cách đây hơn 3 năm và đến nay, hơn 20 lớp đã được mở để tập huấn cho hàng trăm ngư dân Đà Nẵng.

"Để ngư dân hào hứng tham gia tập huấn là việc khó khăn nhất khi chúng tôi thực hiện chương trình này. Nhiều khi lớp tập huấn không có mấy người dự vì dù đã đăng ký tham gia nhưng nhiều ngư dân lại bận bịu ra biển mưu sinh" - bác sĩ Hồng trăn trở.

Với kinh nghiệm và nhiệt huyết, bác sĩ Hồng đã khiến những lớp tập huấn ngày càng đông ngư dân. Thậm chí, nhiều người còn xin học thêm nhiều buổi nữa "cho chắc ăn".

Ngoài những kiến thức sơ cấp cứu, bác sĩ Hồng còn đề nghị ngư dân chuẩn bị những dụng cụ y tế cơ bản nhất, cần kíp nhất để mang theo khi ra khơi phòng khi gặp nạn. "Nhiều ngư dân đã xin những dụng cụ y tế để mang theo khi đi biển nhưng trung tâm chúng tôi làm gì có kinh phí. Thế là tôi đã đề xuất Sở Y tế TP Đà Nẵng hỗ trợ mua thiết bị y tế sơ cấp cứu cho tàu cá" - bác sĩ Hồng cho biết.

Nữ bác sĩ cấp cứu ngư dân - Ảnh 1.

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng kiểm tra thiết bị y tế trước khi đi cấp cứu

Nữ bác sĩ cấp cứu ngư dân - Ảnh 2.

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng theo xe cấp cứu đưa ngư dân đến bệnh viện

Ngôi nhà thứ hai

Cách đây hơn 30 năm, khi còn học phổ thông, bà Hồng chưa bao giờ nghĩ có ngày mình sẽ khoác trên người chiếc áo blouse trắng. Thế nhưng, khi chứng kiến nhiều người thân phải nhập viện vì những căn bệnh hiểm nghèo và được cứu sống, bà lại có ước vọng mạnh mẽ được làm bác sĩ.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Y Huế (nay là Trường ĐH Y Dược Huế), bác sĩ Hồng về làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hơn 5 năm đầu làm việc không lương, nhiều lúc quá khó khăn, bà đã lo rằng mình khó thể trụ nổi với nghề. "Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi khi đó đã bỏ nghề hay chuyển sang làm trình dược nhưng tôi vẫn quyết tâm đem những kiến thức, kinh nghiệm của mình để cứu người" - bà nhớ lại.

Sau đó, bác sĩ Hồng được điều sang làm việc tại Trạm Cấp cứu 5 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nay là Trung tâm 115 Đà Nẵng. Từ đó, bà gắn bó với trung tâm này và xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình.

Chính vì không ngần ngại khó khăn, bác sĩ Hồng luôn là người có mặt ở những vụ tai nạn thảm khốc hay những trận bão lũ kinh khiếp tại Đà Nẵng hàng chục năm qua.

Bác sĩ Hồng so sánh: "Không "oai" như bác sĩ ở bệnh viện, bác sĩ 115 cũng không thể mở phòng mạch riêng nên điều kiện kinh tế gặp khó khăn. Chưa kể, bác sĩ 115 phải luôn đối mặt khó khăn, hiểm nguy vì nơi nào có tai nạn, có lụt bão hay ổ dịch… thì chúng tôi phải là những người đến đầu tiên". Vì thế, Trung tâm 115 Đà Nẵng rất khó tuyển bác sĩ và đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương.

Vì thời gian làm việc ở Trung tâm 115 Đà Nẵng hay trên xe cấp cứu nhiều hơn ở nhà nên bác sĩ Hồng khó mà chăm lo chu toàn cho con cái. Làm mẹ đơn thân, bà có 2 con trai, trong đó người con lớn đang theo học Trường ĐH Y Dược Huế. "Làm mẹ nhưng số lần tôi nấu cơm cho con ăn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Dù không có thời gian nấu nướng nhưng tôi luôn tự dặn mình phải là tấm gương mẫu mực để con cái noi theo" - bà trải lòng. 

"Gấu mẹ" ở Trung tâm 115 Đà Nẵng

Năm 2016, bác sĩ Hồng là 1 trong 20 gương tiêu biểu của ngành y được UBND TP Đà Nẵng trao giải thưởng "Tỏa sáng blouse trắng". Tháng 6 vừa qua, bác sĩ Hồng là 1 trong 70 tấm gương điển hình có thành tích xuất sắc được tôn vinh tại Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Những bác sĩ trẻ, nhân viên hay đội ngũ tài xế ở Trung tâm 115 Đà Nẵng thường gọi bà Hồng một cách thân thương, gần gũi là "gấu mẹ". "Ở cơ quan, bác sĩ Hồng luôn làm việc với tinh thần nghiêm túc, sẵn sàng chỉ bảo, uốn nắn cho cấp dưới hay những bác sĩ mới vào nghề, thậm chí là những tài xế" - một nhân viên Trung tâm 115 Đà Nẵng cho biết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo