Theo chia sẻ của chị Lưu Phương Anh, nữ tiếp viên trưởng của Vietnam Airlines, một số gia đình người Việt ở Châu Âu đã gửi con về Việt Nam nhờ người nhà chăm sóc, còn họ vẫn sẽ phải ở lại với công việc của mình.
Chị Phương Anh kể về một trường hợp như thế trên chuyến bay gần đây của mình: "Mười mấy tiếng hai chị em khóc vì nhớ mẹ. Bà thì hết quay sang cô chị vỗ về lại quay qua cô em chăm. Bà bế em đến nỗi tay mỏi rã rời và tê mà không dám nói... Chỉ vì dịch mà chị 3 tuổi, em mới 2 tháng phải xa rời vòng tay mẹ. Mẹ lo dịch lan rộng và không kiểm soát được và vì cuộc sống nên mẹ buộc phải gửi em về cho bà chăm. Chắc hẳn mẹ cũng nhớ cũng thương em nhiều lắm. Khi con khóc chính là lúc sữa mẹ về, mẹ đau lắm, mẹ thương hai em lắm. Vì bất đắc dĩ mẹ phải làm vậy thôi...."
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình
Những lời chia sẻ tuy ngắn ngủi của chị Phương Anh đã khiến nhiều người xúc động. Sự quan tâm của mọi người đã khiến chúng tôi mong muốn tìm hiểu câu chuyện đằng sau bức ảnh ấy.
Tối 11-3, dù vừa kết thúc một chuyến bay dài, Tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh cũng đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi câu chuyện đã khiến chị viết nên những lời đầy cảm xúc đó.
Đó là chuyến bay ngày 10-3 mang số hiệu VN36 từ Frankfurt về Hà Nội. Trong số các hành khách có 3 bà cháu, chị lớn 3 tuổi, còn em nhỏ 2 tháng. Thực ra cũng là một cơ duyên khi người bà lại chính là hành khách trên chuyến bay trước đó từ Hà Nội đi Frankfurt VN37 .
Lúc bắt đầu chuyến bay, các cháu rất ngoan và xung quanh có những hành khách khác nên các tiếp viên vẫn theo thường lệ chăm sóc và phục vụ hành khách như bình thường. Khi bắt đầu đổi ca nghỉ, chị Phương Anh nghe các đồng nghiệp kể chuyện hai bé khóc và nhớ mẹ, trong ca trực các bạn đã thay phiên nhau bế. Đúng lúc đó, bà cháu bế bé 2 tuổi xuống, chị Phương Anh thấy bé quấy khóc thì hỏi thăm và bà cho biết cháu vừa ăn xong.
Hình ảnh nữ tiếp viên trưởng chăm sóc cháu bé trên chuyến bay
"Theo cảm nhận người mẹ, tôi nói chắc cháu nóng vì mặc nhiều áo nên có đề nghị cởi bớt áo cho cháu. Bà có kể từ lúc mẹ cháu đưa cháu cho bà đến giờ chưa đặt được lúc nào vì cháu quấy quá. Tôi có hỏi cô có ai đi chung không thì cô nói có 3 bà cháu thôi. Tôi xin được bế cháu chút. Khi tôi bế bé, như một phản xạ, cháu rúc tìm hơi mẹ, và vì cháu mới ăn xong, tôi bế cháu vỗ lưng và cháu ợ hơi sữa (thú thực trên áo tôi vẫn còn mùi sữa của con trên vai) chính vì điều này đã quanh quẩn trong tôi.
Khi bế bé, bà nói mỏi và tê tay rã rời! Tôi nói "cháu bế cho con ngủ cho", rồi con cứ ọ ẹ tìm hơi mẹ (thực sự thương mà không dám khóc). Khi trò chuyện với bà, được biết do lo sợ dịch bệnh lây lan bên châu Âu nên bố mẹ các cháu gửi con về ông bà ngoại ở Hải Phòng nhờ ông bà chăm hộ. Do cực chẳng đã, công việc và cuộc sống mà bố mẹ không thể về được.
Chị lớn 3 tuổi thì cứ khóc đòi mẹ, nhớ mẹ! Tiếp viên cũng phát đồ chơi và bà thì chăm em rồi quay ra vỗ về cháu. Khi bế con ru con ngủ, tôi cảm nhận được nỗi niềm người mẹ. Chắc chắn chị sẽ rất nhớ con, thương con và không muốn rời xa con. Là một người mẹ, tôi hiểu mỗi lần con khóc chính là lúc sữa mẹ về và con thèm hơi sữa mẹ.
Nữ tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh
Bế con ngủ say, tôi đặt con ngủ và tiếp tục phục vụ, cũng không quên nhắc các bạn chăm sóc ba bà cháu. Được khoảng 30 phút, con lại tỉnh dậy và khóc. Tiếp viên trưởng Cẩm Tú xuống cùng thay phiên nhau bế và vỗ về con. 6 giờ 10 phút sáng, máy bay hạ cánh tại Nội Bài, ba bà cháu có người nhà trên sân đỗ đón ngay tại cửa nên chúng tôi yên tâm"- chị Phương Anh kể.
Khi về nhà, hình ảnh hai đứa trẻ, nhất là bé 2 tháng, cứ đọng mãi trong suy nghĩ của nữ tiếp viên trưởng. Thương bố mẹ một phần mà thương con ngàn lần khi mới 3 tuổi và 2 tháng đã phải xa vòng tay mẹ nên chị đã viết lên dòng cảm xúc của mình về câu chuyện của 3 bà cháu, cũng như về những chuyến bay đặc biệt của mình, khi mà "mỗi chuyến bay là một kỉ niệm, mỗi chuyến bay là một tình yêu".
Chị Phương Anh trong một hoạt động thiện nguyện
Bình luận (0)