Ê-kíp này gồm có bác sĩ (BS) Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu, BS Ngô Việt Anh và điều dưỡng Nguyễn Văn Hải. Họ từng ghi dấu ấn kỳ tích của Việt Nam trong điều trị bệnh nhân Covid-19 khi cứu sống phi công người Anh là bệnh nhân 91.
Vừa điều trị vừa thiết lập khoa hồi sức
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đội đặc nhiệm Chợ Rẫy là phối hợp với các đồng nghiệp ở Bệnh viện (BV) Phổi (Đà Nẵng) thiết lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong 5 ngày, họ đã thần tốc thiết lập Khoa Hồi sức Cấp cứu ở BV này để bệnh nhân thở máy chạy ECMO, khí nén, đầu tư trang thiết bị vật chất, phân luồng. Khi công việc vào nền nếp, họ chuyên tâm và dốc lực điều trị cho bệnh nhân nặng.
Có những thời điểm BV Phổi tiếp nhận hơn 80 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 14 ca nặng. BS Nguyễn Quốc Huy, Phó trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu BV Phổi, kể rằng mỗi ngày ê-kíp của BV Chợ Rẫy và BV Phổi đã chia ca túc trực tại khu điều trị cho bệnh nhân nặng. Mỗi phòng bệnh tại khu hồi sức đều gắn camera để các y - BS vòng ngoài theo dõi bất kể ngày đêm.
Từ trái sang: Bác sĩ Ngô Việt Anh, bác sĩ Trần Thanh Linh và điều dưỡng Nguyễn Văn Hải - đội đặc nhiệm đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy đến tiếp sức cho Đà Nẵng chống dịch
7 giờ 30 phút mỗi ngày, các BS trực sẽ giao ban nhanh tình trạng bệnh nhân của đêm trực trước rồi vào từng phòng thăm khám, đánh giá bệnh, chăm sóc và hỗ trợ chăm sóc. BS Linh mỗi sáng đều kiểm tra các bệnh nhân nặng, vỗ ngực để giúp bệnh nhân long đờm, không bị tắc nghẽn phổi khi đang bất tỉnh.
Hơn 13 giờ, các y - BS mới ra ngoài để ăn cơm. Mỗi người chọn một góc cách xa 2 m, lặng lẽ ăn bữa trưa để lấy sức chiến đấu cho buổi chiều. Kết thúc ca trực mỗi ngày của đội đặc nhiệm Chợ Rẫy sớm nhất luôn là 19 giờ.
Một tuần liên tục, BS Việt Anh đã túc trực tại khoa này để tiếp nhận các ca bệnh có bệnh lý nền diễn tiến nặng. Khái niệm ngày của các BS lúc này chỉ được tính để theo dõi chỉ số tiến triển sức khỏe của bệnh nhân, còn việc ở Đà Nẵng bao lâu đã không còn quan trọng. Sau khi điều trị cho bệnh nhân 91, ê-kíp của BV Chợ Rẫy đã phải tự cách ly 14 ngày với gia đình, sau đó tiếp tục ra Đà Nẵng chi viện. Dù xa nhà đã thành thói quen nhưng với người vừa cưới vợ 9 tháng như BS Ngô Việt Anh cũng chẳng dễ dàng gì. Đến tối, vợ anh mới dám gọi video cho chồng. "Vợ tôi không nói gì cả, chỉ dặn dò tôi giữ gìn sức khỏe… Đà Nẵng hay TP HCM cũng đều là đất nước mình, khi bệnh nhân cần, chúng tôi sẵn sàng. Nguyện ở Đà Nẵng đến khi hết dịch mới trở về TP HCM" - BS Việt Anh trải lòng.
Thắp lên hy vọng cứu người
Hơn 1 tháng trôi qua, nhiệm vụ của các BS BV Chợ Rẫy tại BV Phổi vẫn là tích cực cứu chữa cho bệnh nhân 416. BS Trần Thanh Linh cho hay đến ngày 24-8, bệnh nhân 416 còn hoàn toàn phụ thuộc vào ECMO. Theo đánh giá của ê-kíp điều trị, bệnh nhân này nặng hơn và tiên lượng thời gian điều trị còn kéo dài hơn cả bệnh nhân 91 do những tổn thương đông đặc phổi, sơ phổi và nhiễm trùng. Đáng mừng là với sự nỗ lực hết mình của đội ngũ điều trị, hiện các nhiễm trùng của bệnh nhân 416 cơ bản được kiểm soát, huyết áp ổn định, ôxy máu có cải thiện. "Đó là niềm hy vọng để anh em tiếp tục nỗ lực điều trị cho bệnh nhân" - BS Linh nói.
Trong ngày, BV Chợ Rẫy sẽ nhập thuốc từ nước ngoài về để thay đổi thuốc cho bệnh nhân 416. Đây là những loại thuốc được dùng trong chữa trị bệnh nhân 91 và được cấp từ Tiểu ban Điều trị của Bộ Y tế.
So với bệnh nhân 91 chỉ mắc bệnh lý nền là béo phì thì các bệnh nhân mắc Covid-19 ở Đà Nẵng rơi vào những căn bệnh hiểm nghèo, cận hiểm nghèo khi đang phải chạy thận hoặc nằm hồi sức, thậm chí có cả bệnh nhân ung thư.
"Khi có ca tiên lượng xấu, chúng tôi cũng đã có biện pháp chuẩn bị tâm lý. Dù đau xót nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi đã cố gắng hết sức" - giọng BS Việt Anh chùng xuống khi nói về một bệnh nhân tử vong.
Mỗi khi có bệnh nhân nặng hết bệnh, các BS đều rất vui và thầm thở phào nhẹ nhõm. "Tuy nhiên, niềm vui đó không trọn vẹn bởi vì vẫn còn những bệnh nhân chúng ta không cứu được. Mặc dù các anh em đã nỗ lực hết sức nhưng những bệnh lý nền có thể là giọt nước tràn ly. Đó là nỗi đau xót của những anh em làm y tế..." - BS Linh xúc động nói.
Thầm lặng "truy lùng" Covid-19
Sau khi được điều động vào tâm dịch Đà Nẵng, các y - BS, nhân viên kỹ thuật nhóm xét nghiệm SARS-CoV-2 của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương luôn phải chạy đua với thời gian để đưa ra những kết quả xét nghiệm sớm, chính xác phục vụ đáp ứng nhanh cho công tác phòng chống dịch. Phó đội trưởng Đội Xét nghiệm, PGS-TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Phó trưởng Khoa Virus Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) cho biết chưa bao giờ phải thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm như thế, các thành viên luôn quá tải bởi lượng mẫu quá nhiều. Trước đây, mỗi ngày, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng xét nghiệm từ 500-700 mẫu thì nay nhờ sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, hệ thống máy móc tự động đã thực hiện khoảng 8.000-10.000 mẫu/ngày.
"Do lượng mẫu chuyển về lớn nên cũng áp lực nhưng với tinh thần chung tay chống dịch, cả đội không quản ngại gian khó. Nhiều bạn làm việc đến 0 giờ mới tạm thời kết thúc công việc trong ngày nhưng sớm hôm sau vẫn có mặt để thực hiện nhiệm vụ" - PGS Nguyễn Lê Khánh Hằng chia sẻ.
N.Dung - V.Anh
Kỳ tới: "Thế trận lòng dân" vững chắc
Bình luận (0)