Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến. Một trong những nội dung đáng chú ý là tại điểm c, khoản 1, điều 33 của dự thảo quy định điều kiện để xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.
Tác động lớn đến người dân
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024). Khi đó, nếu quy định trên được giữ nguyên, ô tô cá nhân cũng sẽ bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình.
Hiện tại, pháp luật giao thông đường bộ chỉ quy định việc gắn thiết bị giám sát hành trình đối với các trường hợp kinh doanh vận tải bằng ô tô (quy định tại điểm b, khoản 1, điều 67 Luật Giao thông đường bộ năm 2008).
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết trong kinh doanh vận tải, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước (giám sát về tốc độ, hành trình phương tiện, thời gian lái xe...) mà còn phục vụ cho việc quản trị của doanh nghiệp vận tải. Thông qua thiết bị giám sát hành trình, doanh nghiệp theo dõi số ki-lô-mét xe chạy, từ đó xác định được thời điểm thực hiện bảo dưỡng xe định kỳ, quản lý về tiêu hao nhiên liệu, định mức thay lốp, tính tiền lương của tài xế. Dữ liệu camera giám sát cũng giúp quản lý chặt quá trình vận hành trên đường của tài xế, xử lý các tình huống của hành khách, ví dụ như để quên hành lý.
Cũng theo ông Quyền, quy định lắp đặt các thiết bị phát sinh 2 nguồn chi phí cho mỗi doanh nghiệp, bao gồm chi phí mua thiết bị và chi phí duy trì hợp đồng dịch vụ với đơn vị cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, truyền dẫn, khai thác dữ liệu của thiết bị này theo từng tháng (dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/thiết bị/tháng). Các thiết bị này đang phục vụ tương đối hiệu quả cho quản trị của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đối với đề xuất ô tô cá nhân cũng phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, với gần 4 triệu xe đang lưu thông trên cả nước, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng điều này có tác động lớn đến người dân. Do vậy, cần làm rõ mục tiêu của đề xuất cũng như việc quản lý, hình thành, tích hợp dữ liệu thu thập… "Cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật nên có nghiên cứu, khảo sát, trình bày rõ mục tiêu, ý tưởng quản lý để xem xét tính khả thi cũng như đánh giá tác động chi phí xã hội bỏ ra thực thi như thế nào so với tác dụng mang lại" - ông Quyền góp ý.
Nhiều người dân chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho ô tô cá nhân
Băn khoăn về quyền riêng tư
Anh Nguyễn Văn Mạnh (ngụ phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) băn khoăn việc bắt buộc phải lắp thiết bị camera giám sát hành trình. "Nếu đơn thuần chỉ là giám sát giao thông thì tốt, không có vấn đề gì. Tuy nhiên, liệu những dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư của mình trên xe, hành trình di chuyển... có thể bị xâm phạm? Cơ quan chức năng cần đánh giá tác động của quy định này" - anh Mạnh nói.
Trong khi đó, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ủng hộ đề xuất lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho cả xe cá nhân, bởi đề xuất này sẽ tạo bước đột phá trong ứng dụng công nghệ để quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông tại Việt Nam.
Theo ông Tạo, việc lắp thiết bị camera giám sát hành trình trên mỗi ô tô không chỉ thu thập được dữ liệu của phương tiện này mà còn có dữ liệu của toàn bộ không gian mà chiếc xe đó lưu thông qua, góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả của công tác quản lý trật tự an toàn giao thông, an ninh xã hội. Do đó, cùng với việc ban hành luật, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, ban hành quy chuẩn thiết bị (về kiểu loại, yêu cầu kỹ thuật tối thiểu, hướng dẫn cách lắp đặt...) cho xe cá nhân phù hợp với tình hình thực tế trong nước.
Ông Tạo cũng cho rằng chi phí lắp đặt thiết bị có thể sẽ là khó khăn khi triển khai nhưng xét về ý nghĩa, tác dụng mà quy định mang lại trong bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm tính mạng con người, nếu tuyên truyền để người dân hiểu thì sẽ nhận được đồng thuận.
Về lo ngại quyền riêng tư bị ảnh hưởng, ông Tạo nói việc này không ảnh hưởng đến quyền riêng tư, tự do cá nhân. Thực tế hiện nay, dù chưa có quy định nhưng rất nhiều chủ xe đã chủ động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera quay bên ngoài xe.
Tăng cường chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình
Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.
Dự thảo quy định: Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm cung cấp tài khoản truyền dữ liệu các đơn vị vận tải hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ để truyền dữ liệu; tài khoản đăng nhập vào hệ thống thông tin cho Bộ Giao thông Vận tải, Cục CSGT, phòng CSGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan thuế, hải quan khi có đề nghị bằng văn bản. Việc cung cấp này nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và công tác khác để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống buôn lậu, thuế.
Bình luận (0)