Liên quan đến việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM) có 2 Quốc tịch: Việt Nam và Cộng hoà Síp (Cyprus), ngày 26-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với Luật sư (LS) Diệp Năng Bình (Đoàn LS TP HCM) về các quy định liên quan đến quốc tịch, cũng như việc Đại biểu Quốc hội có được mang 2 quốc tịch hay không?
ĐBQH Phạm Phú Quốc trong một lần phát biểu tại Quốc hội
Theo LS Diệp Năng Bình, trong thực tế hiện nay, nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phía nước ngoài cấp hộ chiếu và công nhận quốc tịch (căn cứ vào pháp luật riêng của từng nước, có nước không bắt buộc công dân Việt Nam phải từ bỏ quốc tịch) nên việc công dân Việt Nam có 2 quốc tịch và sử dụng đồng thời 2 hộ chiếu là không trái với quy định của pháp luật.
Vị luật sư dẫn Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 cho thấy: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Cụ thể, các trường hợp ngoại lệ gồm: Người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.
Ngoài ra, người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, sửa đổi, bổ sung 2014: "Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài".
"Như vậy, nếu một người đang là công dân Việt Nam và quốc gia người đó đang xin nhập quốc tịch không yêu cầu phải thôi quốc tịch Việt Nam thì có thể vừa có quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài. Việc sử dụng quốc tịch nước nào và tư cách công dân của quốc gia nào (Việt Nam hay nước ngoài) sẽ do pháp luật của Việt Nam và quốc gia của người đang mang quốc tịch quy định, phù hợp với pháp luật quốc tế"- LS Diệp Năng Bình phân tích.
Đối với trường hợp là Đại biểu Quốc hội, LS Diệp Năng Bình cho biết, theo Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, Đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại biểu Quốc hội phải có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe, được nhân dân tín nhiệm, có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Tuy nhiên trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành chưa quy định cụ thể về quốc tịch của Đại biểu Quốc hội, dẫn đến các cách hiểu khác nhau . Chính vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội 2020 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021 đã quy định về quốc tịch của Đại biểu Quốc hội. Theo đó, Luật đã bổ sung điểm a vào khoản 1 Điều 22 với yêu cầu Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Về trường hợp ông Phạm Phú Quốc mang 2 quốc tịch, theo LS Bình, các cơ quan của Quốc hội cần sớm xác minh thời điểm ông Phạm Phú Quốc nhập tịch Cộng hoà Síp để có các bước xử lý tiếp theo theo quy định.
"Nếu ông Quốc nhập tịch trước thời điểm bầu cử Quốc hội khoá XIV thì sẽ rơi vào trường hợp không khai báo trung thực trong hồ sơ đại biểu. Nếu nhập tịch từ thời điểm giữa năm 2018 như ông Quốc trả lời trên báo chí, thì vị đại biểu ông Quốc đã không báo cáo trung thực với Quốc hội về việc này"- LS Diệp Năng Bình cho hay.
Cũng theo LS Diệp Năng Bình, trên thị trường di trú hiện đang phổ biến cụm từ "quốc tịch châu Âu". Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa quốc tịch một nước thuộc châu Âu (về mặt địa lý) nhưng chưa gia nhập EU và quốc tịch một nước thành viên EU (sử dụng đồng tiền chung euro).
Với quốc tịch một nước châu Âu chưa gia nhập EU, nhà đầu tư và gia đình chỉ được hưởng quyền công dân trong phạm vi quốc gia đó. Với quốc tịch một nước thành viên EU, nhà đầu tư và gia đình được hưởng quyền công dân EU, có thể tự do sinh sống, làm việc, học tập tại bất kỳ quốc gia EU nào như Anh, Pháp, Đức, Ý...
Chương trình lấy quốc tịch các nước thuộc EU hiện có Cộng hòa Síp, Malta, và Bulgaria. Chương trình lấy quốc tịch Montenegro đang được đánh giá là hấp dẫn vì nước này dự kiến gia nhập EU vào năm 2025 và mức đầu tư hiện còn thấp.
Ví dụ như Cộng hòa Síp: Mức đầu tư 51,8 tỉ đồng (2 triệu euro) mua bất động sản tại Cộng hoà Síp (duy trì 5 năm) và tặng chính phủ 3,9 tỉ đồng (150.000 euro). Thời gian thụ lý để có quốc tịch 8-12 tháng. Cùng với quốc tịch Síp là quyền công dân EU. "Đây là chương trình đầu tư đơn giản để đi thẳng lên quốc tịch EU trong thời gian nhanh nhất, nhưng mức đầu tư lại khá cao"- vị LS cho hay.
Ngày 25-8, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH TP HCM) đã trao đổi với báo chí về thông tin cho rằng ông có quốc tịch Cộng hoà Síp (Cyprus). Ông Phạm Phú Quốc cho biết ông đã có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018, nhưng là do gia đình bảo lãnh. Vị ĐBQH phủ nhận thông tin mua quốc tịch thứ 2.
Cùng ngày, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội, cho biết đã nắm được thông tin về việc này và giao các đơn vị chức năng xác minh. Ông Tuý cho biết theo quy định, ĐB Phạm Phú Quốc và Đoàn ĐBQH TP HCM phải có báo cáo cụ thể về việc này gửi Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tiến hành các bước xác minh, xử lý tiếp theo.
Bình luận (0)