Sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới (trụ sở tại TP Hà Nội) đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn. Cơ quan QLTT (thuộc ngành công thương) đã kiểm tra, đề nghị xử lý cơ sở sản xuất. Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT đang kiểm tra, xác minh vụ việc. Còn Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế thì cho rằng đã xử lý nhanh chóng vì "sức khỏe người tiêu dùng là tối thượng".
Tầng tầng lớp lớp đơn vị kiểm soát mà thực phẩm bẩn vẫn có đất sống, uy hiếp tính mạng người tiêu dùng, cho thấy đang có khoảng trống trách nhiệm hay vướng mắc về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong việc xử lý vụ việc.
Năm 2006, tại diễn đàn Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân đã phản ánh tình trạng "3 sở làm một chân ruộng tan hoang". Sở Tài nguyên và Môi trường có chức năng quản lý tài nguyên đất và nước nhưng nông nghiệp thì quản thủy lợi nên ưu tiên nước ngọt để trồng lúa, còn thủy sản lại lo nước mặn để nuôi tôm. Hậu quả, người dân trồng lúa không được mà nuôi tôm cũng chẳng xong. Đến năm 2009, vẫn là tình trạng "4 bộ cùng quản lý... cây xúc xích": Bộ NN-PTNT (giai đoạn nuôi và giết heo lấy thịt), Khoa học và Công nghệ (liên quan chất phụ gia làm xúc xích), Y tế (quá trình sử dụng sản phẩm) và QLTT thuộc Bộ Công Thương. Hay câu chuyện "3 bộ cùng quản mâm cơm người dân" của nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu chia sẻ tại nghị trường Quốc hội trước đây, nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Qua vụ Pate Minh Chay, các cơ quan chức năng tuyên bố đã làm hết trách nhiệm được giao nhưng người dân cũng có quyền yêu cầu về hiệu quả cuối cùng của công tác quản lý và việc phối hợp. Cách thức phối hợp như thế nào là việc của các cơ quan quản lý, người dân chỉ cần biết sản phẩm ra thị trường phải bảo đảm mức độ nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Không thể tồn tại mãi tình trạng "mỗi bộ quản một khúc".
Để khắc phục tình trạng này, cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý, người đứng đầu, cơ sở kinh doanh, các siêu thị, nhà bán buôn, bán lẻ khi để xảy ra thực phẩm bẩn gây ngộ độc. Cần có công cụ truy xuất nguồn gốc thực phẩm bẩn, kèm theo đó là một cơ chế trách nhiệm rõ ràng hơn để "dán nhãn niềm tin" của người tiêu dùng trên từng sản phẩm. Trách nhiệm của người quản lý phải được tự động vận hành theo quy định của pháp luật chứ không thể tồn tại mãi tình trạng sự việc xảy ra rồi, cơ quan quản lý vẫn ngồi chờ "văn bản chỉ đạo".
Tăng cường chấn chỉnh, khắc phục hậu quả ngay sau khi có thiệt hại xảy ra là cần thiết nhưng kiến tạo cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, thực hiện nghiêm, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra sai phạm còn quan trọng hơn nhiều.
Bình luận (0)