Liên quan đến Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhật Cường Bùi Quang Huy bỏ trốn, sáng nay 21-5, trao đổi với Báo Người Lao Động, bên hành lang Quốc hội (QH), đại biểu QH (ĐBQH) Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho rằng về mặt logic thì việc ông chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn trước khi bị khởi tố bị can và có lệnh bắt là có vấn đề.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân
Theo đó, trước khi khám xét, cơ quan điều tra phải có nguồn tin, có xác minh kỹ lưỡng mới tiến hành khám xét. Khám xét là nút thắt của quá trình điều tra. Thời điểm đó, đương nhiên phải biết được đối tượng vi phạm pháp luật và cần phải có giám sát chặt chẽ.
Sau khám xét sẽ khởi tố bị can. Điều đáng nói là khi khởi tố bị can thì không bắt được bị can vì bị can trốn thoát. Theo ông Vân, qua logic đó cho thấy có kẽ hở, hoặc lộ lọt thông tin hoặc quy trình giám sát không chặt chẽ. Có rất nhiều giải thiết.
"Từ lúc khám xét tới khởi tố bị can, phải có quá trình xác minh chuẩn bị thì phải có tiếp cận hiện trường, bị can. Thế nhưng, khi khởi tố rồi mấy ngày sau lại bảo không bắt được vì bị can đã trốn thoát"- ông Lê Thanh Vân nêu vấn đề.
Từ những phân tích của mình, ĐBQH Lê Thanh Vân đặt ra 3 khả năng dẫn đến việc Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhật Cường Bùi Quang Huy có thể bỏ trốn. Khả năng thứ nhất là lộ lọt, qua quá trình triển khai nghiệp vụ để lộ lọt thông tin và bị can biết được nên trốn thoát. Khả năng thứ hai là quy trình không chặt chẽ, quá trình làm việc xác minh chưa chặt chẽ. Khả năng thứ ba là có người nào đó báo tin cho bị can Bùi Quang Huy.
"Chỉ có 3 khả năng đó thôi. Và đặt lên trách nhiệm cơ quan điều tra phải làm rõ. Cũng giống như vụ Trịnh Xuân Thanh trước đây, đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời: Ai đánh động cho Trịnh Xuân Thanh? Ai báo tin cho Thanh bỏ trốn, tương tự như vụ Nhật Cường Mobile cũng vậy" - ĐB Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, quy định tố tụng của Việt Nam vẫn còn khoảng trống cần phải lấp để ngăn chặn tình trạng những đối tượng "cao bay xa chạy" trước khi bị bắt. "Chẳng hạn như thẩm quyền của cơ quan điều tra có quyền khống chế, giám sát như phong tỏa tài sản trước, có biện pháp ngăn chặn. "Chính vì thiếu những quy định nêu trên nên khó có thể ngăn chặn kịp thời" - ĐB Lê Thanh Vân nói.
"Không chỉ riêng việc ông Nhật Cường bỏ trốn mà cả những vụ việc liên quan đến những đối tượng như Dương Trí Dũng, Vũ "nhôm", Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, thì cơ quan có thẩm quyền phải trả lời trước công luận vì sao đối tượng đó biết trước thông tin khởi tố để trốn thoát. Phải làm cho rõ, phải xử lý nghiêm để răn đe các vụ khác. Giả sử có ai đó tiết lộ thông tin cho đương sự bỏ trốn, không những vi phạm pháp luật mà còn phản bội lại công lao của đồng đội mình, của tổ chức. Do đó phải xử lý thật nghiêm để làm gương và răn đe"- ĐBQH Lê Thanh Vân đề nghị.
Lực lượng thuộc Bộ Công an tiến hành khám xét tại cửa hàng Nhật Cường Mobile ở 33 phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Ảnh: Huy Thanh
Trước đó, hôm 9-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 9 địa điểm liên quan đến Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường tại Hà Nội, thu giữ hàng ngàn điện thoại di động, iPad, phụ kiện các loại... để phục vụ điều tra.
Đến ngày 14-5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Nhật Cường, và 8 đồng phạm về tội: "Buôn lậu" và tội "Vi phạm quy định của nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Bước đầu xác định Bùi Quang Huy và các đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, đã lập sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính để ngoài sổ sách hàng ngàn tỉ đồng doanh thu.
Ngày 18-5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định truy nã đối với Bùi Quang Huy.
Bình luận (0)