Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 26-11, ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết liên quan đến vụ nữ nhân viên hàng không tại sân bay Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) bị đánh hôm 23-11, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo và công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Áp dụng biện pháp ngăn ngặn
Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Hữu An (SN 1990; ngụ phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), Lê Văn Nhị (SN 1977; ngụ xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và Lê Trung Dũng (SN 1984; ngụ thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân) để điều tra, làm rõ hành vi "Gây rối trật tự công cộng", chiều 26-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thọ Xuân ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 3 đối tượng trên.
Ba đối tượng đánh nữ nhân viên hàng không tại sân bay Thọ Xuân. (Ảnh cắt từ clip ghi nhận vụ việc tại sân bay)
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã chính thức có quyết định cấm bay 1 năm với cả ba người, đồng thời kiểm tra trực quan 12 tháng tiếp theo đối với cả 3.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cả 3 đối tượng chơi bời lêu lổng, trong đó Phạm Hữu An từng đi tù 8 năm về tội đánh bạc, cướp tài sản và đang bị Công an huyện Thiệu Hóa điều tra hành vi "Tổ chức đánh bạc". Lê Văn Nhị và Lê Trung Dũng cũng đều là "dân xã hội", trong đó Dũng là con của nguyên Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân Lê Văn Biền (đã nghỉ hưu năm 2015). Theo một lãnh đạo Công an thị trấn Thọ Xuân, Dũng thuộc danh sách theo dõi nghiện ma túy trên địa bàn.
Vụ gây rối tại sân bay Thọ Xuân được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đánh giá rất nghiêm trọng, uy hiếp đến an ninh hàng không. Nhiều người khi xem đoạn video clip về sự việc đã rất bất bình không chỉ vì sự hung hãn, côn đồ của nhóm thanh niên mà còn bởi phản ứng chậm chạp và thiếu chuyên nghiệp của nhân viên an ninh hàng không. Lẽ ra, trong trường hợp này, lực lượng an ninh phải trấn áp, khống chế và cách ly ngay đối tượng để ngăn chặn hành vi tiếp diễn.
Để làm rõ thêm nhiệm vụ, trách nhiệm của an ninh sân bay như thế nào, phóng viên đã nhiều lần liên hệ tới số máy của ông Trần Sỹ Hiến, Giám đốc Cảng Hàng không Thọ Xuân nhưng ông Hiến không nghe máy, nhắn tin cũng không phản hồi.
Chậm có doanh nghiệp an ninh hàng không
Vụ việc nhân viên an ninh hàng không phản ứng chậm như tại sân bay Thọ Xuân không phải hy hữu. Một trong những nguyên nhân là do lực lượng an ninh sân bay hiện nay trực thuộc doanh nghiệp (DN) khai thác cảng hàng không chứ không trực thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nên chưa phải là lực lượng thực thi công vụ.
Sự cần thiết của một đơn vị chuyên thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không tại các sân bay đã được đặt ra từ lâu. Vào cuối năm 2017, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã trình đề án thành lập Công ty TNHH MTV An ninh hàng không cho Cục Hàng không Việt Nam và Vụ Quản lý DN - Bộ GTVT để thẩm định. Công ty này hạch toán độc lập, là DN cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không, xử lý các vi phạm về an ninh hàng không và đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc Công ty An ninh hàng không trực thuộc ACV chỉ là việc làm cần thiết trước mắt. Về lâu dài, DN này phải là DN độc lập, 100% vốn nhà nước, vì đây là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Tại cuộc họp về phương án thành lập doanh nghiệp an ninh hàng không vào tháng 12-2017, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá việc xây dựng đề án và thành lập DN an ninh hàng không theo chỉ đạo của Chính phủ còn chậm. Bộ trưởng giao Cục Hàng không, Vụ Quản lý DN phối hợp với các cơ quan khác rà soát các bước thành lập DN, chậm nhất đến tháng 3-2018, DN này phải được thành lập và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, DN này vẫn còn "nằm trên giấy".
Về việc này, ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, khẳng định trong tương lai gần, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cần tách lực lượng kiểm soát an ninh với đơn vị khai thác cảng hiện nay để tổ chức lực lượng an ninh hàng không độc lập, thống nhất và chuyên nghiệp, từ đó việc xử lý tình huống, bảo đảm an ninh sẽ hiệu quả và kịp thời hơn.
Nhiều vụ gây rối vì nguyên nhân... lãng xẹt
Gần đây, có khá nhiều vụ khách gây rối, đánh chửi nhau tại sân bay, hành hung nhân viên hàng không... mà nguyên nhân lãng xẹt như: Ngồi nhầm chỗ trên máy bay, sắp xếp hành lý, được đề nghị mua thêm vé hành lý khi hành lý xách tay quá trọng lượng...
Theo báo cáo từ sân bay Tân Sơn Nhất, riêng trong tháng 10 vừa qua đã xảy ra tới 40 vụ việc liên quan đến các sự cố an ninh, an toàn hàng không, trong đó có cả mang vũ khí, trộm cắp, lăng mạ, tấn công nhân viên sân bay. Ngay trong chiều 25-11, một hành khách đến trễ giờ ra máy bay, được yêu cầu đổi chuyến đã gây mất trật tự, định đánh nhân viên hàng không.
Hai nữ hành khách Việt dọa có bom ở sân bay Malaysia
Thông tin từ Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết trong khung giờ làm thủ tục cho chuyến bay VN680 vào ngày 22-11, hành trình Kuala Lumpur (Malaysia) - Hà Nội, có 2 hành khách là P.T.O và N.T.H.L (quốc tịch Việt Nam). Trong quá trình làm thủ tục, P.T.O đã 2 lần thông báo với nhân viên là trong hành lý có bom. Lực lượng an ninh đã cách ly 2 hành khách trên cùng các hành khách khác để kiểm tra hành lý nhưng không phát hiện có bom. Cả 2 người đã bị tạm giữ để thẩm vấn.
Đến ngày 26-11, 2 phụ nữ này vẫn đang bị tạm giữ để điều tra, xác minh, dự kiến các nhà chức trách ở Kuala Lumpur sẽ đưa họ ra tòa trong thời gian sớm nhất.
D.Ngọc
Bình luận (0)