Thực trạng này đang diễn ra tại nhiều quận, huyện vùng ven TP HCM, nơi có nhiều nhà xưởng hoạt động với những ngành nghề gây ô nhiễm khiến người dân vô cùng bức xúc.
Những cơ sở xả khói đen tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh
Trên những cánh đồng trống, ven những bờ kênh là những nhà xưởng được xây dựng bằng tôn, nhếch nhác, xung quanh đường sá chắp vá, không hệ thống thoát nước, dây điện chằng chịt, vệ đường được tận dụng đổ rác thải, vải vụn, than đốt lò, bụi bẩn thải ra từ quá trình sản xuất…Trên nóc nhà xưởng là những ống khói liên tục phả ra từng cuộn khói đen kịt.
Đó là hình ảnh của hàng trăm nhà xưởng, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động tại TP HCM, tập trung nhiều ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân của huyện Bình Chánh; các xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Đông Thạnh của huyện Hóc Môn; nằm rải rác các phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A, B của quận Bình Tân và một số ở quận 12, quận Thủ Đức, quận 9…
Có những nhà xưởng được xây dựng không phép hơn 10 năm trước nhưng cũng có nhiều trường hợp xây dựng không phép những năm gần đây.
Nhà xưởng gây ô nhiễm ở quận 12
Nhiều lần ghi nhận thực tế, đến đâu chúng tôi cũng nhận được phản ánh từ các hộ dân nhưng chính quyền kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính xong, mọi việc vẫn như cũ.
Hiện nay, ngành môi trường bị "trói tay" vì các quy định xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó biện pháp hữu hiệu là "cắt điện, cắt nước" vẫn chưa được xem xét đưa vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, khiến công tác xử lý vi phạm chưa triệt để.
Giải pháp mà nhiều địa phương đang thực hiện là truy lại nguồn gốc đất đai, xây dựng của các nhà xưởng ô nhiễm để xử lý dứt điểm. Điển hình huyện Bình Chánh từ cuối năm 2019 đã chia 4 nhóm (nguồn gốc đất đai, xây dựng) đối với 289 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để xử lý, đối với những nhóm xây dựng không phép sau ngày 1-7-2004, không đúng quy hoạch sẽ buộc trả lại hiện trạng ban đầu.
Một kho chứa hóa chất tại huyện Hóc Môn
Thế nhưng, quá trình thực hiện cũng lắm nhiêu khê bởi việc xác minh nguồn gốc đất đai, xây dựng do địa phương thực hiện, nếu địa phương hoặc cán bộ phụ trách thực hiện không nghiêm, không công tâm thì coi như giải pháp xử lý ô nhiễm sẽ bị "tắc". Chưa kể, phân loại xong, quá trình cưỡng chế, tháo dỡ cũng gặp nhiều trở ngại bởi địa phương không đủ nhân sự để thực hiện.
Chỉ thị 23 của Thành ủy hiện đang được các địa phương thực hiện nghiêm, nhiều khu dân cư xây dựng không phép, không phù hợp quy hoạch đã bị tháo dỡ. Vậy nên không có lý do gì những nhà xưởng xây dựng không phép, không phù hợp quy hoạch gây ô nhiễm trầm trọng lại "lọt sổ" và tồn tại từ năm này qua năm khác.
Muốn giải quyết dứt điểm những nhà xưởng vừa nêu trên, ngoài truy nguồn gốc đất đai xây dựng, phải truy ai đứng sau, ai là chủ thực sự những nhà xưởng này.
Bình luận (0)