Dù 2 năm qua chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Hội Nhà báo TP HCM vẫn không ngừng thực hiện các hoạt động nghiệp vụ và phong trào rất phong phú nhằm tăng cường kết nối và nâng cao chất lượng thông tin báo chí.
Hội Nhà báo TP HCM hiện có hơn 28 cơ quan báo chí với 1.200 hội viên. Ngoài ra, trên địa bàn TP HCM còn có hơn 160 cơ quan thường trú, văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác trú đóng với khoảng 800 hội viên sinh hoạt tại Hội Nhà báo thành phố theo quy định của Hội Nhà báo Việt Nam. Số lượng hội viên tham gia sinh hoạt theo quy định của hội rất lớn. Vừa qua, Hội Nhà báo thành phố thành lập Liên chi hội nhà báo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác trên địa bàn TP HCM. Việc chủ động thành lập liên chi hội này góp phần gắn kết hội viên giữa các cơ quan báo chí.
Mặt khác, Hội Nhà báo thành phố tích cực triển khai, củng cố và xây dựng thêm các CLB phóng viên chuyên ngành. Ngoài CLB Phóng viên Chính trị - Xã hội, CLB Phóng viên Du lịch, CLB Phóng viên Kinh tế Nông nghiệp, CLB Phóng viên ảnh, CLB Phóng viên Thể thao, CLB Phóng viên Văn hóa Văn nghệ, cuối năm 2021, Hội Nhà báo thành phố đã ra mắt CLB Phóng viên Công nghệ Thông tin và Chuyển đổi số. Hội dự kiến tiếp tục thành lập thêm một số CLB phóng viên chuyên về một số lĩnh vực như công thương, xây dựng - đô thị, tài nguyên - môi trường, y tế, giáo dục, quốc tế…
Giải báo chí TP HCM được Hội Nhà báo TP HCM tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo hội viên tham gia Ảnh: Hoàng Triều
Cùng với những CLB chuyên ngành, các hoạt động tập huấn chuyên môn, đi thực tế... thì việc hình thành các giải báo chí chuyên ngành có ý nghĩa thiết thực hướng đến mục tiêu tạo không gian sinh hoạt chuyên môn - nghiệp vụ, mang đến những sân chơi ý nghĩa, tạo điều kiện gắn kết, hợp tác giữa các nhà báo, thúc đẩy nâng cao chất lượng thông tin, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của các lĩnh vực cụ thể thông qua hoạt động báo chí.
Hội Nhà báo TP HCM cũng đẩy mạnh vai trò cầu nối giữa báo chí và các cơ quan, ban, ngành; mở rộng liên kết - hợp tác vùng, khu vực. Báo chí thành phố không chỉ phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội; đấu tranh với tiêu cực, thói hư tật xấu mà còn đi sâu, đi sát vào vấn đề dân sinh nóng bỏng, những mối quan tâm của người dân về phát triển thành phố, đất nước.
Phát huy vai trò kết nối, sự năng động, sáng tạo trong công tác hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động báo chí là nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nhà báo TP HCM. Trong định hướng sắp tới, Hội Nhà báo thành phố sẽ mở rộng một số giải thưởng báo chí cấp cụm, chẳng hạn như giải báo chí đồng bằng sông Cửu Long, giải báo chí Đông Nam Bộ... nhằm tăng cường hơn nữa vai trò kết nối này.
Nhà báo NGUYỄN NGỌC TOÀN
Nhà báo NGUYỄN NGỌC TOÀN - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên:
Liên kết báo chí để dẫn dắt, định hướng dư luận
Tại Báo Thanh Niên, Đảng ủy và Ban Biên tập luôn coi trọng công tác hội, xem đây là hạt nhân thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm báo. Liên chi hội nhà báo Báo Thanh Niên là đầu mối tổ chức các khóa tập huấn nội bộ; phối hợp, liên kết với các tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế để triển khai các dự án hợp tác đào tạo về kỹ năng báo chí hiện đại. Liên chi hội nhà báo cũng được Ban Biên tập giao chủ trì việc tuyển chọn tác phẩm báo chí chất lượng cao để xét trao Giải Báo chí Báo Thanh Niên hằng năm nhằm động viên, tôn vinh những nhà báo dấn thân, có thành tích xuất sắc trong công tác nội dung.
Gần đây, Liên chi hội nhà báo Báo Thanh Niên tích cực tham gia một số hoạt động của Hội Nhà báo TP HCM theo chủ trương của Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là sân chơi mới, hứa hẹn có nhiều khởi sắc trong thời gian tới, góp phần tăng cường tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa những người đồng nghiệp đứng chân trên địa bàn thành phố nghĩa tình.
Báo chí Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn đặt ra từ quá trình toàn cầu hóa thông tin và công cuộc chuyển đổi số. Báo Thanh Niên cũng như các cơ quan báo chí chính thống khác đều xác định phải tự thân vận động, tìm ra lối đi riêng của mình nhằm vượt qua những khó khăn trước mắt về kinh tế báo chí, tái cấu trúc mô hình hoạt động, kinh doanh, giữ vững vị thế, vai trò là nguồn thông tin trung thực, lành mạnh, có tính chiến đấu cao và tính xây dựng chân thành.
Chúng tôi mong mỏi Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò đại diện cho những người làm báo để có thể tham mưu, đóng góp cho Đảng, Nhà nước những đề xuất chính sách phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là việc thực hiện quy hoạch báo chí, cơ chế tự chủ tài chính, nâng đỡ quá trình hội tụ - liên kết giữa các cơ quan báo chí và doanh nghiệp công nghệ, hướng tới hình thành các tập đoàn truyền thông đa phương tiện mạnh, đủ sức dẫn dắt và định hướng nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân.
Nhà báo MAI NGỌC PHƯỚC
Nhà báo MAI NGỌC PHƯỚC - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo TP HCM, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP HCM:
Thay đổi dần theo hướng chuyển đổi số
Tôi cho rằng Hội Nhà báo Việt Nam nói chung, Hội Nhà báo TP HCM nói riêng trong 2 năm qua đã làm rất tốt vai trò hướng dẫn, định hướng nghề nghiệp và kết nối hội viên.
Hiện nay, các CLB phóng viên chuyên ngành do Hội Nhà báo thành phố thành lập hoạt động khá hiệu quả. Sắp tới sẽ tiếp tục có thêm các CLB phóng viên chuyên ngành khác nữa... Vai trò của lãnh đạo Hội Nhà báo thành phố là định hướng hoạt động, kết nối với các cơ quan, đơn vị liên quan để đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, hỗ trợ hoạt động của các CLB.
Hội Nhà báo thành phố cũng tổ chức nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện gắn với cộng đồng trên cơ sở vận động tài trợ các đơn vị và các cơ quan báo chí, như trao học bổng cho học sinh nghèo, xây cầu ở vùng sâu, vùng xa, xây nhà tình thương, tình nghĩa... Trong mùa dịch Covid-19 năm 2021, nhiều cơ quan báo chí cùng với Hội Nhà báo thành phố đã tổ chức nhiều đợt hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men, thiết bị y tế... cho các bệnh viện dã chiến và người dân gặp khó khăn. Những hoạt động đó vừa thể hiện trách nhiệm cộng đồng của các cơ quan báo chí vừa gắn kết hội viên trong các hoạt động chung của hội.
Thời gian qua, Hội Nhà báo thành phố cũng tổ chức nhiều hội thảo gắn với sự phát triển nghề nghiệp của các cơ quan báo chí, của các hội viên như hội thảo về chuyển đổi số, tọa đàm về báo chí điều tra, tọa đàm về các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí...
Riêng Báo Pháp Luật TP HCM cũng đang thay đổi dần theo hướng chuyển đổi số. Chúng tôi xác định rất rõ: Thứ nhất, nội dung phải hấp dẫn, có nhiều tin - bài riêng, độc quyền dựa trên thế mạnh pháp luật của báo. Thứ hai, cách đưa tin phải nhanh, các sản phẩm phải đa dạng, hấp dẫn và được lan tỏa mạnh mẽ trên tất cả các nền tảng mà bạn đọc có thể tiếp cận, bao gồm cả báo in, báo điện tử, các nền tảng thứ ba (như YouTube, Facebook, TikTok...). Cuối cùng, chính là công nghệ. Dù là phóng viên viết bài, biên tập viên xử lý thông tin hay kỹ thuật viên tạo ra các hình hài khác nhau của sản phẩm báo chí, thậm chí là bảo vệ quyền sở hữu/bản quyền các sản phẩm báo chí... thì đều cần có sự can thiệp của công nghệ. Ngay cả trong khâu quản lý hành chính - văn phòng, thúc đẩy các hoạt động nội bộ, văn hóa của cơ quan, giám sát lao động... cũng đều cần đến công nghệ. Như vậy, việc chuyển đổi số không diễn ra ở một bộ phận riêng lẻ, một phòng, ban nào mà là ở hầu hết các hoạt động của một cơ quan báo chí.
Xuân Huy ghi
Bình luận (0)