Căn hộ nhỏ ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3) là mái ấm của mẹ con anh Nguyễn Phước Thiện. Anh Thiện là một giáo viên Anh văn khiếm thị. Căn hộ chất đầy những chiếc radio cũ và thiết bị công nghệ phục vụ cho việc dạy học.
Hạnh phúc khi còn mẹ
Mẹ anh Thiện ngoài 60 tuổi, gương mặt hiền lành hằn những vết nhăn của năm tháng tảo tần nuôi con bằng gánh trái cây. Người mẹ này đã khóc hết nước mắt khi con trai mới học lớp 4 đã bị một tai nạn làm hỏng đôi mắt. Anh Thiện suy sụp hoàn toàn trước cú sốc đầu đời nên nhốt mình trong nhà một thời gian. Sau đó, thương mẹ quá nên anh tập đi bằng gậy, dù bao lần mẻ trán u đầu.
Cố gắng học tập để có thể tự lo cho mình và phụng dưỡng mẹ, anh Thiện quyết tự làm tất cả những việc gì có thể. Bây giờ thì nhờ những lớp học tiếng Anh, anh không chỉ truyền phương pháp học tiếng Anh hiệu quả cho nhiều học viên mà còn là nguồn nuôi sống 2 mẹ con. Ngoài giờ dạy học, anh phụ giúp mẹ việc nhà.
"Mình hiểu được sự cơ cực của mẹ khi nuôi con mù lòa nên sẽ cố gắng sống tốt để mẹ vui lòng. Mình hạnh phúc khi mẹ còn trên đời" - anh Thiện tâm sự. Nhìn lại chặng đường 44 năm qua, những gì anh Thiện làm được xứng đáng là tấm gương sáng trong cộng đồng.
Ngày nào chị Trần Thị Hiệp cũng vừa làm việc vừa tranh thủ chăm sóc mẹ
Ảnh: Trường Hoàng
Anh Nguyễn Tiến Mạnh - Bí thư Chi đoàn khu phố 4, phường 10, quận 5 - cũng là một tấm gương hiếu thảo. Năm 12 tuổi, cha anh mất, mẹ phải làm đủ nghề để nuôi 2 con. Hiểu sự hy sinh của mẹ nên ngoài giờ học ở trường, anh đến chỗ làm của mẹ để phụ giúp, rồi giành hết việc nhà, chăm sóc em trai học để mẹ có toàn vẹn thời gian cho công việc. Những năm gần đây, khi sức khỏe của mẹ kém đi, người em vào đại học thì anh Mạnh chính là trụ cột kinh tế của gia đình. Anh Mạnh cho rằng để trở thành một người con hiếu thảo không khó, đôi khi chỉ là những công việc đơn giản như những lời động viên, những bữa cơm gia đình, sự quan tâm khi cha mẹ ốm đau...
"Việc mua nhà, xe có thể giúp cha mẹ có cuộc sống tốt hơn nhưng nếu thiếu sự quan tâm hỏi han, chăm sóc từ con cái thì đó cũng chỉ là hành động trả ơn chứ không gọi là hiếu thảo được" - anh Mạnh bộc bạch.
Hành trang vững chắc
Tìm gặp chị Trần Thị Hiệp - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 3, phường Bình An, quận 2 - chúng tôi được biết chị đang chăm sóc mẹ tại bệnh viện. Chúng tôi đến gặp lúc chị đang lau người cho mẹ. Chị kể khoảng năm 2013, mẹ bị bệnh Alzheimer và từ đó ngày nào chị cũng vừa làm việc vừa tranh thủ về chăm sóc mẹ. Sáng dậy sớm vệ sinh cho mẹ, cho ăn, uống thuốc rồi chị đi làm. Trưa về nấu cơm đút cho mẹ, cho uống thuốc. Chiều về vệ sinh, nấu ăn rồi lại đút mẹ ăn. Công việc cứ thế hết ngày này qua ngày khác.
Chị Hiệp nói chăm người lớn tuổi bình thường đã khó, chăm người mất trí nhớ càng khó hơn. Có những bữa phải mất hết một giờ mẹ mới ăn hết chén cháo. Những lúc như thế phải kiên nhẫn… Cuộc sống gia đình vất vả nhưng chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ; tham gia tích cực mọi hoạt động phong trào của địa phương.
Anh Nguyễn Ngọc Thiện (ngụ khu phố 1, phường Bình Trưng Tây, quận 2) tâm niệm: "Bạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình mình". Trong gia đình, anh là lao động chính lo cho ông, cha mẹ và 2 người em ăn học. Không chỉ vậy, anh còn là Chi hội trưởng Chi hội Liên hiệp Thanh niên của khu phố.
"Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn, thiếu thốn nhưng luôn nhận được sự yêu thương vô bờ bến từ cha mẹ. Những bài học từ cha mẹ là hành trang vững chắc giúp tôi bước vào đời và trưởng thành".
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Thiện làm rất nhiều việc, từ công nhân, bảo vệ, bán cà phê… để có thu nhập lo cho gia đình.
Tuyên dương 48 người con hiếu thảo
Tối 21-11, Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM phối hợp tuyên dương 48 gương "Người con hiếu thảo" cấp TP năm 2017. Đây là 48 câu chuyện đẹp về lòng hiếu thảo. Mỗi điển hình được tuyên dương có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có điểm chung là tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm dành cho những người trong gia đình, khắc phục khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Những điển hình ấy góp phần làm thay đổi nhận thức của các thành viên trong gia đình về tình cảm, vai trò, nghĩa vụ, bổn phận của con cháu đối với ông bà, cha mẹ; hướng đến xây dựng gia đình hòa thuận, văn hóa; đề cao nhân cách, lối sống đẹp không quên cội nguồn của truyền thống đạo đức gia đình Việt Nam.
Bình luận (0)