Ngày 14-3, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước các diễn biến gần đây ở đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
"Đồng thời, Việt Nam cho rằng trong khi cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và để tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những cấu trúc chưa có người ở tại biển Đông; hành xử có trách nhiệm và có đóng góp thiết thực, tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực"- bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Đảo Thị Tứ - Ảnh: AP
Báo Inquirer hôm 4-3 dẫn lời Thị trưởng Kalayaan, Roberto del Mundo, nói rằng tàu cá Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines đến bãi cát cách đảo Thị Tứ khoảng 3 km. Có tổng cộng 3 bãi cát nằm giữa đảo Thị Tứ và Đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Những bãi cát này chỉ mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây, là một phần của đảo Thị Tứ đang bị Philippines chiếm giữ trái phép.
Những ngày qua, truyền thông quốc tế đưa tin Mỹ triển khai máy bay ném bom B52 để thực hiện hoạt động huấn luyện gần các đảo tranh chấp trên biển Đông.
Phóng viên nêu câu hỏi ngày 8-3, tàu cá Việt Nam bị Indonesia bắt giữ với cáo buộc vi phạm đặc quyền kinh tế của nước này. Sau đó, hôm 9-3, 1 tàu cá khác với 5 ngư dân cũng bị Indonesia bắt. Theo giới chức Indonesia, từ tháng 10-2014, có 216 tàu cá có cờ Việt Nam bị nước này bắt giữ.
Người phát ngôn khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam đang trao đổi để xác minh thông tin. Hiện Việt Nam và Indonesia đang tiếp tục trao đổi, đàm phán về vấn đề phân định vùng đặc quyền kinh tế.
Bình luận (0)