Trong ngày 28-8, lực lượng chức năng tiếp tục giám định hiện trường để làm rõ nguyên nhân vụ sập phòng học xảy ra vào chiều 26-8 tại Trường THCS và THPT Đống Đa (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) làm 11 học sinh bị thương.
Theo ghi nhận hiện trường của chúng tôi, tại vị trí phòng bị sập, các khung gỗ lộ ra, lớp vữa bị lão hóa, có thể dùng tay bóp tơi ra như cát khô. Gỗ ép sàn cũng đã bị mục, chỉ có lớp gạch men còn mới. Phòng học rộng khoảng 20 m2, bị sập khoảng 1/3 diện tích sàn, vị trí trần sập nằm ngay khu vực bục giảng. Đây là một trong 3 phòng liền kề có kết cấu các thanh giằng chịu lực bằng gỗ, mặt dưới sàn tô vữa, nẹp gỗ và mặt trên cùng được lát gạch men.
Hiện trường vụ sập phòng học làm 11 học sinh bị thương Ảnh: Đình Thi
Trong số 11 học sinh bị nạn, hiện còn 3 học sinh điều trị tại bệnh viện. Vụ sập phòng học này thực sự gây hoang mang cho phụ huynh học sinh của trường. Bà Trần Thị Hoàng Thảo, phụ huynh em Phạm Xuân Sơn - một trong 11 học sinh bị tai nạn, bày tỏ: "Tuy cháu chỉ bị chấn thương phần mềm ở lưng và 2 chân nhưng tinh thần cháu vẫn chưa ổn định. Chúng tôi thực sự không yên tâm vì trường lớp xuống cấp, trong khi năm học mới đã tới".
Ông Đoàn Khải, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đống Đa, cho biết trường có 20 phòng học, được xây dựng vào năm 1956 và đã qua nhiều lần tu sửa nhỏ. Năm 2016, nhà trường đóng cửa 4 phòng học do có nguy cơ mất an toàn. Sau sự cố sập phòng học vừa qua, trường đóng cửa thêm 4 phòng học nữa, chỉ còn 12 phòng học. Với 35 lớp - 1.450 học sinh, buộc phải nhập lớp thì mới đủ chỗ học.
Bà Đàm Thị Kinh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận có sơ suất trong giám định chất lượng các cơ sở giáo dục. "Trường Đống Đa có văn bản gửi đề nghị sửa chữa lại nhà trường. Tuy nhiên, sau khi các cơ quan chức năng giám định thì có 4 phòng ở dãy phòng học khác xuống cấp nên sở chỉ đạo không được sử dụng 4 phòng học có cảnh báo nguy hiểm. Khu vực có phòng học bị sập lại nằm trong diện không có cảnh báo, được phép sử dụng bình thường" - bà Kinh nói.
Từ vụ việc này, ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chỉ đạo ngành GD-ĐT kiểm tra, rà soát lại những ngôi trường cũ trên địa bàn tỉnh để có phương án khắc phục, sửa chữa, tránh tai nạn tương tự có thể xảy ra.
Vụ sập phòng học ở Đà Lạt cũng khiến giới phụ huynh, học sinh lo ngại khi năm học mới sắp bắt đầu trong khi nhiều trường lớp xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời.
Trước đó, ngày 21-8, khi phụ huynh đưa con đến Phân hiệu 2, Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) tựu trường đã thất vọng khi phân hiệu của ngôi trường đạt chuẩn quốc gia này bị tốc mái trước đó hơn 3 tháng nhưng không được sửa chữa, vẫn cho học sinh nhập học.
Ông Trần Văn Luận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, thông tin sự cố tốc mái tại 3/5 phòng học của phân hiệu 2 xảy ra vào ngày 8-5 với 17 tấm tôn bị lốc xoáy cuốn đi. Nhà trường đã báo cáo lên Phòng GD-ĐT và UBND TP Buôn Ma Thuột. Sau đó, đoàn kiểm tra của TP Buôn Ma Thuột và tỉnh ghi nhận hiện trạng. Do chưa được bố trí kinh phí sửa chữa nên tạm thời vẫn phải cho các em nhập học.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho rằng lý do chậm phân bổ kinh phí là do mất thời gian làm thủ tục đề nghị phân bổ từ nguồn quỹ phòng chống lụt bão của tỉnh. Dù vậy, ông Hưng quy trách nhiệm cho chính hiệu trưởng nhà trường. "Hiệu trưởng nhà trường đã tắc trách vì khi thấy qua một thời gian chưa sửa chữa lại không kịp thời báo cáo lên thành phố biết. Thành phố đã cho chủ trương rồi nhưng ông hiệu trưởng không chịu quán xuyến, để đến lúc phụ huynh phản ánh, thành phố nghe thông tin mới xuống chỉ đạo sửa chữa".
Bình luận (0)