Ngày 15-6, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp (DN) để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm.
Phải tạo động lực tăng trưởng mới
Về phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, ĐB Phan Thị Thu Trang (tỉnh Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ bên cạnh tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực toàn cầu; mở rộng thị trường quốc tế qua các hiệp định thương mại; tập trung chú trọng phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có sức đề kháng mạnh, chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài.
ĐB Phan Thị Thu Trang cũng đề nghị Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và chương trình hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam; sớm có biện pháp đẩy mạnh lưu thông, giải phóng hàng hóa, phát triển thương hiệu Việt Nam, cả thị trường hàng hóa và du lịch nội địa gắn với nâng cao sức tiêu dùng trong nước.
Đại biểu Phan Thị Thu Trang đề nghị có biện pháp đẩy mạnh lưu thông, giải phóng hàng hóa, phát triển thương hiệu Việt Nam. Ảnh: TTXVN
ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về trợ giúp DN. Dù vậy, Chủ tịch VCCI cho rằng tác động của chính sách này đến lãi suất thị trường, đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn vẫn chưa thực sự rõ nét. Việc cơ cấu lại nợ về thời hạn và lãi suất cho các DN mới chỉ giúp "cầm máu" chứ chưa "chữa lành được vết thương" và tạo ra được động lực tăng trưởng mới cho DN. Vì vậy, ông Lộc đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sớm nghiên cứu ban hành một gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn cho các DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong các ngành như du lịch, hàng không...
"Nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ"
Trong khi đó, ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, bày tỏ lo ngại khi tỉ lệ thất nghiệp tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2020. Ông Lợi đề nghị Chính phủ điều chỉnh điều kiện và tiêu chuẩn hỗ trợ cho DN và người lao động để được hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội 16.000 tỉ đồng.
Cũng liên quan đến những khó khăn của DN, theo ĐB Bùi Thanh Tùng (TP Hải Phòng), DN trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ đang đối mặt với các khó khăn về thủ tục đầu tư, từ giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất đến cấp giấy phép xây dựng công trình. Thực tế cho thấy, nhiều DN phải mất trung bình từ 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng để bước qua các thủ tục này, khiến họ cảm thấy hụt hơi, nản chí. "Thiết nghĩ, chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để có sự công bằng và tạo niềm tin, phát huy nội lực của DN trong nước góp phần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế" - ĐB Tùng nhấn mạnh.
Điều hành xuất khẩu gạo: Giải trình chưa thẳng thắn
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận việc điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua chưa thật sự thông suốt.
Về việc tạm dừng xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thời kỳ chống dịch Covid-19 rất căng thẳng khiến nhiều nước lo lắng về câu chuyện an ninh lương thực. Vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam cũng là một mối lo. Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, trong đó có quản lý xuất khẩu gạo theo hạn ngạch hoặc tạm dừng và tạm giãn tiến độ. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành đã nhận được ý kiến báo cáo phản ánh của nhiều địa phương và DN. Sau khi đánh giá lại toàn diện, các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng cho phép xuất khẩu gạo theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4-2020 và sau đó, hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường trong tháng 5.
Cho rằng giải trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ mới nói về phần tích cực, ĐB Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ) nhận định sự kiện tạm dừng xuất khẩu gạo vào tháng 3 được quyết định nhanh và khi cho xuất khẩu lại càng nhanh hơn, cho thấy sự nóng vội; vai trò tham mưu của bộ, ngành còn nhiều bất cập. "Tôi đề nghị Chính phủ cần thẳng thắn đánh giá trách nhiệm của cơ quan tham mưu, đánh giá về phương pháp điều hành, về việc dừng và mở lại xuất khẩu gạo để không lặp lại trong thời gian tới, gây thiệt hại không đáng có" - ĐB Xuân nói.
"Nóng" hoạt động ngành tư pháp
Vấn đề hoạt động của ngành tư pháp lại tiếp tục làm "nóng" phiên thảo luận khi ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết mấy ngày qua, ông nhận được rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi, kể cả của các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước nói "chưa bao giờ thấy niềm tin đối với nền tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ". Từ đó, ông đề nghị phải có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với công tác tư pháp.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) bày tỏ băn khoăn khi nhận định này được ĐB Lưu Bình Nhưỡng tiếp nhận qua điện thoại thì có cơ sở hay không. ĐB Cương cho biết ông có nhận câu hỏi của một số phóng viên về một vài vụ án nhưng đã từ chối trả lời vì không được tiếp cận hồ sơ chính thống. Từ phân tích này, ĐB Cương đặt vấn đề làm như thế nào để có một cơ chế tiếp nhận thông tin chính thống cho các ĐB để khi đưa ra thảo luận phải là những nhận định đúng.
Trao đổi lại, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cảm ơn ĐB Nguyễn Sỹ Cương ở chỗ cần có cơ chế thông tin cho đại biểu. "Tôi biết hiện nay rất nhiều chuyện còn có việc chặn một số nguồn thông tin tới đại biểu và cá nhân tôi. Tôi biết chứ không phải không biết"- ĐB Nhưỡng nói.
Ngay sau đó, điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý ĐB "không có một chủ trương nào chặn thông tin của các ĐBQH cả. Nếu có, đề nghị ĐBQH cung cấp cho đoàn chủ tịch biết" - Phó Chủ tịch QH nói.
Bỏ sổ hộ khẩu: Đồng thuận nhưng lo tính khả thi
Hôm nay (16-6), QH sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy, quản lý bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo lộ trình, nếu được QH thông qua sẽ triển khai thực hiện từ tháng 7-2021.
Trong khi nhiều ĐB hoan nghênh thì không ít ĐB khác tỏ ra thận trọng, lo ngại. Theo ĐB Đào Tú Hoa (Hà Nội), đến nay chỉ có khoảng 18 triệu công dân được cấp mã số định danh cá nhân, việc cấp mã số cho hơn 80 triệu dân còn lại sẽ khó có thể thực hiện xong trước thời hạn Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) thì cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu cần cân nhắc và có lộ trình và nên lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để bảo đảm tính phù hợp, tính khả thi. "Tôi rất băn khoăn về hạ tầng. Đưa vào mã hóa hết thì hạ tầng kỹ thuật của chúng ta có bảo đảm để người dân truy cập, bảo đảm tính thuận lợi không? Rồi liên thông giữa hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư này với hệ thống cơ sở dữ liệu khác. Phải xử lý thế nào để người dân khỏi phải chứng minh đi chứng minh lại, xác minh đi xác minh lại khi ta bỏ sổ hộ khẩu" - ĐB Thành nêu vấn đề.
Thống nhất việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nhưng ĐB Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng để bảo đảm thuận lợi cho dân, cần có thời gian chuyển đổi phù hợp, cho tồn tại song song 2 hình thức quản lý, chỉ khi nào đã chuyển sang hoàn toàn quản lý bằng mã định danh cá nhân thì mới bỏ hẳn sổ giấy. "Nếu không sẽ giống như chưa xây xong nhà mới đã đập nhà cũ rồi. Nếu làm không khéo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm trốn tránh" - ĐB Châu lo ngại.
Về đề xuất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, ĐB Ngô Minh Châu cho biết dân số TP HCM tăng rất nhanh nhưng hạ tầng không được đầu tư. "Hiện nay, mỗi năm TP HCM tăng khoảng 20 vạn dân, rất nhiều áp lực, khi bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương thì có khả năng TP sẽ tăng 25-30 vạn dân. Do đó, cần giữ lại một số quy định cần thiết để TP HCM, Hà Nội không bị gia tăng dân số quá nóng" - ĐB Châu đề xuất.
Bình luận (0)