Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định tập trung phát triển 4 vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng. Trong đó, Hà Nội được xác định là cực tăng trưởng của vùng tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và TP HCM là cực tăng trưởng của tứ giác TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu.
TP HCM là trung tâm tài chính quốc tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có cảng hàng không quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực quốc gia như nêu trên. Trong đó, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ tập trung vào vùng lõi với tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, dọc theo hành lang Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18.
Theo Bộ KH-ĐT, đây là vùng giữ vai trò quan trọng đối với cả nước. Trong giai đoạn 2011-2020 đóng góp khoảng 22,1%-23,9% GDP, 29,3%-30,9% ngân sách, là đầu mối xuất nhập khẩu lớn của cả nước, đi đầu trong hội nhập quốc tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng đã và đang được đầu tư tương đối đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao, tiềm lực khoa học công nghệ nổi trội.
Đối với vùng động lực TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), cho biết đây là vùng phát triển năng động, giữ vai trò quan trọng hàng đầu đối với phát triển kinh tế của cả nước. Trong giai đoạn 2011-2020 đóng góp khoảng 30,9%-35,5% GDP, 37,8%-39,4% thu ngân sách cả nước, đi đầu trong hội nhập quốc tế. Vùng là đầu mối giao thông quan trọng, với đầy đủ các phương thức vận tải.
Bộ KH-ĐT cho biết các định hướng phát triển chính của 2 vùng động lực nói trên là trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia. Nơi đây tập trung phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, y tế chuyên sâu. Bên cạnh đó, vùng này thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế tạo tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, các ngành công nghiệp điện tử, tin học, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ôtô, công nghiệp hỗ trợ. Đáng chú ý, nơi đây sẽ hình thành trung tâm kinh tế biển với các ngành vận tải biển, du lịch biển đảo, kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới…
Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng xác định đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị tại 2 vùng động lực nói trên. Trong đó, xây dựng thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc và cả nước, có sức cạnh tranh quốc tế. Đối với vùng động lực "tứ giác" ở phía Nam, sẽ phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Tập trung phát triển cảng biển Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Phát triển hạ tầng giao thông để bắt kịp nhịp phát triển nhanh chóng của TP HCMẢnh: QUỐC ANH
Ưu tiên đầu tư công cho hạ tầng
PGS-TS-KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Kiến trúc Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh nguồn lực phát triển có hạn, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số vùng có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các vùng lãnh thổ đó phát triển trước một bước, tạo động lực cho các vùng khác phát triển.
Để phát triển các vùng động lực, trong đó có cực tăng trưởng là Hà Nội và TP HCM, cần giải quyết được các bài toán đô thị hiện nay như ùn tắc giao thông, ngập úng. Theo đề xuất của ông Hanh, cần định hướng quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển liên vùng các đô thị Việt Nam, dựa trên mô hình các đô thị xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng, trong đó các thành phố lớn là cực tăng trưởng.
Các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đánh giá việc phát triển vùng động lực như định hướng của Việt Nam là phù hợp, để phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, tránh lãng phí, chồng chéo. Vùng kinh tế động lực chính là chìa khóa để Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã thành công khi xây dựng các vùng động lực cho nền kinh tế.
Về cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng cho vùng động lực nêu trên, Bộ KH-ĐT cho biết quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ ưu tiên đầu tư công cho mạng lưới hạ tầng quy mô lớn như cảng biển, sân bay, đường bộ, đường sắt cao tốc của vùng. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) để tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài tham gia các dự án hợp tác công tư xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng của vùng.
Để thực hiện các mục tiêu phát triển vùng động lực, TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, đề nghị đến năm 2030, nên tập trung nguồn lực phát triển một số đoạn hành lang kinh tế Bắc - Nam dựa theo đường cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, ưu tiên trước 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh gắn với hành lang Côn Minh và hành lang kinh tế Mộc Bài - TP HCM - Vũng Tàu gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á.
Thuê công ty Đức lập quy hoạch
Ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết để từng bước hiện thực hóa quy hoạch trên, mới đây UBND tỉnh đã thành lập hội đồng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hội đồng Quy hoạch tỉnh Đồng Nai có nhiệm vụ tham mưu cho UBND, Chủ tịch UBND tỉnh; chỉ đạo quá trình tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các nội dung vướng mắc, vượt thẩm quyền.
Để bảo đảm tìm kiếm được đơn vị đủ tầm nhìn, năng lực, kinh nghiệm để tư vấn lập chiến lược phát triển tổng thể cho tỉnh, tháng 6-2022 vừa qua, UBND tỉnh đã ký kết hợp đồng tư vấn lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với Công ty Roland Berger (Đức) và các đơn vị liên danh.
"Dự kiến quý I/2023, việc lập quy hoạch sẽ hoàn thành. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có một quy hoạch chất lượng, với nhiều ý tưởng mới mẻ, đột phá mang tầm quốc tế, dài hạn, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời, quy hoạch phải xem các yếu tố về tăng trưởng xanh, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số để giúp tỉnh tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói.
N.Tuấn
Trục "xương sống" kinh tế hướng ra biển
TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh vùng tứ giác TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp nhiều nhất cho ngân sách cả nước. Hiện tại, kinh tế khu vực này đứng đầu cả nước, nhưng nếu có sự liên kết tốt giữa 4 địa phương thì hiệu quả sẽ càng lớn hơn và vươn lên tầm khu vực.
Ông đặc biệt lưu ý xu hướng phát triển mới ở khu vực này. TP HCM đang phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông (TP Thủ Đức), trong đó điểm nhấn là khu kinh tế tài chính Thủ Thiêm, khu đô thị đại học, khu công nghệ cao, cảng Cát Lái...
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai sẽ xây dựng khu đô thị sân bay Long Thành, nâng cấp sân bay Biên Hòa và phát triển TP Biên Hòa lên tầm cao mới. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang phát triển hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải. Bình Dương đang nâng cấp khu vực nhà ga Sóng Thần, đường kết nối đi Campuchia.
Một đặc điểm chung 4 địa phương này đều rất cần đó là cần sự kết nối tốt hơn để phát triển kinh tế biển. Tứ giác TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu liên kết thành trục xương sống nối ra biển, trục này nối từ Bình Dương đi qua TP HCM, Đồng Nai và qua Bà Rịa - Vũng Tàu nối ra biển.
Tuy nhiên, để hình thành được nhánh kinh tế biển rất quan trọng này, các địa phương liên quan cần phát triển hệ thống đường cao tốc và đường sắt nối vào hệ thống cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải... nhằm kết nối các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển tốt hơn. Khu vực này hình thành chuỗi logistics gắn kinh tế biển, thậm chí kết nối phía biên giới ở tỉnh Tây Ninh.
Q.Anh
Bình luận (0)