Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Đắc Quỳnh khẳng định không có vùng cấm hay vùng trống trong việc xử lý trong vụ gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018
Sáng 31-5, bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Quỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La - đã tỏ ra khá thoải mái khi chia sẻ với báo chí về những vấn đề liên quan đến những gian lận điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 xảy ra trên địa bàn tỉnh Sơn La, đặc biệt là quan điểm của tỉnh trong việc xử lý những cán bộ, Đảng viên sai phạm.
Trả lời về việc xử lý những cán bộ, Đảng viên có sai phạm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết đã giao Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, cơ quan an ninh điều tra, một là xác định rõ xem trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý đến đó, và "dứt khoát phải xử lý".
"Không có vùng cấm, không có vùng trống, không có bất kỳ điều gì ở đây cả, chỉ có sự thật thôi, chỉ có xử lý nghiêm minh, trên cơ sở căn cứ kết quả điều tra. Điều tra đến đâu xử lý đến đó, rõ đến đâu, xử đến đó. Đây là quan điểm của Thường vụ Tỉnh ủy. Thường vụ rất quyết liệt. Một tuần phải tổ chức, kiểm tra, công an phải báo cáo một lần" - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La khẳng định.
Về thông tin các phụ huynh liên quan là cán bộ, Đảng viên liên quan đã có bản tường trình gửi tỉnh uỷ rồi, vậy bản tường trình đó như thế nào, có ai nhận sai sót hay không?, ông Quỳnh cho biết chưa nghe báo cáo. "Ban Tổ chức Tỉnh uỷ vẫn đang làm, và sẽ làm việc với chi bộ có Đảng viên này, kêu gọi họ nhận sai (nếu có). Tuy nhiên cái này cũng cần quá trình" - ông Nguyễn Đắc Quỳnh nói.
Với thông tin chạy 1 tỉ đồng/suất có chính xác không, vị phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, chia sẻ rằng ông cũng chỉ nghe phó viện trưởng VKSND tỉnh nói rằng thông tin này mới là một phía, chưa được kiểm chứng.
"Tuy nhiên, chúng tôi đã yêu cầu phải tìm bằng được chứng cứ. Chứng minh nếu không có việc này, nhưng có chuyện lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm lợi, trục lợi cũng phải xử lý, dù không có tiền. Nếu có tiền thì dứt khoát phải xử lý theo tội nhận hối lộ" - ông Quỳnh nói.
Việc quan chức liên quan nói rằng họ chỉ nhờ xem điểm chứ không hối lộ, ông Quỳnh cho biết không bình luận về vấn đề này vì nói gì là quyền của họ. Quan trọng là chúng ta phải tìm ra chứng cứ, sự thật.
Vị phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết qua vụ việc sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tỉnh đã mất quá nhiều cán bộ, Đảng viên. "Tôi rất buồn và đau đớn!"- ông nói.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cũng chia sẻ thêm rằng đây là một trong những vụ việc mà địa phương phải xử lý, kỷ luật cán bộ, Đảng viên nhiều nhất từ trước đến nay.
Đánh giá về những sai phạm của các giáo viên trong vụ việc này, ông Nguyễn Đắc Quỳnh khẳng định: "Gian lận như vậy là cướp cơ hội của người khác. Việc lấy cơ hội của người khác để cho con em mình không nên tí nào. Không nói chuyện tiền nong hay không, chỉ nội việc làm việc đó là không đáng làm thầy giáo rồi. Thầy giáo đầu tiên phải là người trung thực".
"Đáng buồn là có những người con mình đủ điểm rồi, không cần thêm cũng đỗ nhưng vì lý do gì đó, họ phòng trước, lại đi xin điểm. Bố mẹ thương con không đúng cách. Trong khi nhiều cháu rất tự trọng, các cháu không muốn điều này đâu.Tôi biết có những cháu giận bố mẹ, thầy giáo phải đến vỗ về"- phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La chia sẻ thêm.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, Cơ quan Điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Sơn La đã chuyển hồ sơ liên quan vụ án gian lận ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 đến VKSND cùng cấp, đề nghị truy tố 8 bị can về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trong 8 bị can, đáng chú ý nhất là ông Trần Xuân Yến, khi bị khởi tố là phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, phụ trách việc tổ chức kỳ thi này tại tỉnh Sơn La. Ông Yến cũng là người có chức vụ, quyền hạn lớn nhất trong số các bị can của vụ án này, tính đến nay.
7 người khác, ngoài ông Đặng Văn Thủy (phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La) và 2 cán bộ của Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La là nguyên trung tá Đỗ Khắc Hưng và nguyên thiếu tá Đinh Hải Sơn, những người còn lại đều là cán bộ của Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, gồm: Cầm Thị Bun Sọn, phó trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng; Lò Văn Huynh, trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, cùng phó phòng là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một chuyên viên của phòng này là bà Nguyễn Thị Hồng Nga.
Đây mới chỉ là giai đoạn 1 vụ án gian lận thi cử tại tỉnh Sơn La. Trong giai đoạn này, CQĐT tập trung làm rõ hành vi của 8 bị can trong việc sửa điểm thi trắc nghiệm cho 44 thí sinh và sửa điểm thi tự luận môn văn cho một số thí sinh khác, cũng như sự tiếp tay của 2 cán bộ công an; làm rõ động cơ sửa bài thi, điểm thi; cách thức sửa bài thi, điểm thi; mức độ can dự của từng cá nhân trong đường dây này.
Trong 44 thí sinh được nâng điểm của tỉnh Sơn La, có tới 12 trường hợp là con các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục tỉnh này. Trong đó có con của các vị phó giám đốc sở, chánh thanh tra, trưởng phòng, hiệu trưởng và giáo viên một số trường trên địa bàn. Mức được sửa là từ 3 điểm đến 17,75 điểm.
Trong số thí sinh được sửa điểm, có thí sinh trúng tuyển ngành y khoa của Trường ĐH Y Hà Nội với điểm số 28,4 và lọt tốp 3 thí sinh có điểm cao nhất vào trường. Cụ thể, điểm toán của thí sinh này là 9,4 điểm; điểm hóa: 9,5 và sinh là 9,5 điểm. Tuy nhiên, theo kết quả chấm thẩm định, điểm lần lượt của thí sinh này là toán: 5,6 điểm; hóa: 3,4 điểm; sinh: 4 điểm, tổng điểm 3 môn là 13.
Bình luận (0)