Chiều 22-9, sau gần 1 ngày đi bộ vào tận hiện trường rừng phòng hộ bị tàn phá ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã làm việc với các lực lượng chức năng của địa phương.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đi bộ 8 giờ đến khu vực rừng bị tàn phá
Ông Thanh cho biết sau khi báo chí thông tin, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, báo cáo. Hôm 20-9, Công an huyện Tiên Phước đã khởi tố vụ án, đang củng cố hồ sơ để khởi tố bị can.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với các sở ngành liên quan
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Tiên Phước, UBND xã Tiên Lãnh, công an huyện và lực lượng kiểm lâm viện lý do theo kiểu "rừng rộng, lực lượng mỏng" để phân trần về việc rừng bị tàn phá, không có ai đứng ra nhận trách nhiệm.
Riêng ông Hường Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, nói rằng vào kiểm tra hiện trường phá rừng mới thấy "đau lòng". Ông Minh cũng nói cũng thấy áy náy, phiền lòng với lãnh đạo tỉnh vì để xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng và kéo dài như vậy.
Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho rằng cần xem xét trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, cơ quan chức năng ở địa phương khi để rừng bị tàn phá trong thời gian dài. Theo ông Dũng, một số vụ án đã khởi tố nhưng chậm bàn giao hồ sơ cho công an nên việc tìm ra thủ phạm rất khó khăn.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh cho rằng qua khảo sát thực tế, có thể nhận thấy các đối tượng phá rừng đã tính toán rất bài bản. Thật khó hiểu khi đường sá đi lại rất khó khăn, các đối tượng phá rừng ở nơi xa xôi và khó có thể giải quyết được bài toán kinh tế. Tuy nhiên, theo kế hoạch, quý I-2018 thủy điện Sông Tranh 2 sẽ tích nước và đường Đông Trường Sơn đang xây dựng sắp hoàn thành. Ông Thanh cho rằng cần nhìn nhận vấn đề này cẩn trọng để có hướng điều tra, xử lý...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã Tiên Lãnh xảy ra 54 vụ phá rừng để lấy đất sản xuất, gây thiệt hại hơn 124,8 ha rừng tự nhiên.
Trong số này có 68,296 ha giao khoán bảo vệ rừng (do Ban quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước giao cho nhóm hộ) và 49,359 ha ngoài diện tích giao khoán bảo vệ rừng (do UBND xã Tiên Lãnh quản lý). Riêng năm 2017, phát hiện 10 vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại 24,790 ha. UBND huyện Tiên Phước đã ban hành quyết định thu hồi diện tích vi phạm và giao cho UBND xã quản lý 19 vụ/52,994 ha, khởi tố hình sự 10 vụ và đang điều tra, xử lý 25 vụ.
"Hoàn thành mục tiêu phá rừng sớm"
Ông Trần Anh Dũng, nguyên Đại biểu HĐND xã Tiên Lãnh, cho hay rừng tự nhiên ở Tiên Lãnh bị chặt phá đã nhiều năm nay và hầu như ai cũng biết. Mỗi năm, tiếp xúc cử tri hai đợt, lúc nào người dân Tiên Lãnh cũng phản ánh sự việc nhưng các cơ quan chức năng chẳng xử lý đến nơi đến chốn, dẫn đến rừng bị mất như ngày hôm nay.
"Mỗi năm báo cáo tổng kết của UBND xã Tiên Lãnh diện tích rừng bị chặt phá hàng chục ha. Sáu tháng đầu năm 2017, báo cáo UBND xã Tiên Lãnh có 13,5 ha rừng tự nhiên bị chặt phá. Tôi đánh giá hiện tại ở Tiên Lãnh không còn rừng nữa, ở đây đã hoàn thành sớm mục tiêu phá rừng" - ông Dũng chua chát.
Bình luận (0)