Sáng 15-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Bộ Y tế về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, nhất là trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Đều xác định được nguồn lây
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định số lượng các ca mắc Covid-19 mới tại Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng. Tuy vậy, ngành y tế đã xác định được nguồn gốc lây nhiễm là từ các ổ dịch trước đó, được cách ly tập trung thông qua truy vết F1. Số ca mắc có thể tiếp tục xuất hiện do còn nhiều F1 đang tiếp tục được truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Bộ Y tế cho biết năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 hiện ở mức gần 66.000 mẫu/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể tăng cường công suất lên từ 1,5 đến 2 lần và tối đa có thể đạt 290.000 mẫu/ngày. Nếu làm xét nghiệm gộp 10 mẫu thì có thể đạt 2,9 triệu mẫu/ngày.
Để kịp thời đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đang sử dụng chiến lược xét nghiệm kết hợp giữa các kỹ thuật khác nhau. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rà soát, bảo đảm công suất xét nghiệm trên quy mô dân số đạt tối thiểu 1.000 mẫu (đơn)/1 triệu dân/ngày; tăng cường năng lực xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh đạt tối thiểu 300 giường bệnh có 1 hệ thống xét nghiệm RT-PCR.
Về vắc-xin Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết tổng số liều mà Việt Nam đã mua, đăng ký là khoảng 170 triệu, trong đó đã ký kết, có cam kết là khoảng 110 triệu liều. Bộ Y tế sẽ tiếp tục tiếp cận, đàm phán với các nhà sản xuất, nhà cung ứng, các tổ chức để có thêm nhiều nguồn vắc-xin cho Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng về việc mua các thiết bị, máy móc phục vụ công tác chống dịch, một số địa phương có tâm lý "ngại", do sợ sai sót dẫn đến bị xử lý, kỷ luật. Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng ban hành các hướng dẫn, cơ chế mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch Covid-19 để các địa phương sớm triển khai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Y tế ngày 15-5Ảnh: TTXVN
Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nhiệm vụ cấp bách đều liên quan tới tình hình dịch Covid-19 và công tác tuyên truyền. Về cơ bản, chúng ta đang kiểm soát được tình hình dù dịch bệnh tại một số địa phương đang diễn ra phức tạp. Những ca mắc mới ghi nhận đều nằm trong khu cách ly, trong vùng kiểm soát, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Thủ tướng nêu rõ: "Quyết tâm phòng chống hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh trên toàn quốc, bảo vệ sức khỏe người dân, lấy sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử sắp tới".
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá, khắc phục những nhược điểm, hạn chế, bất cập trong phòng chống dịch Covid-19; phòng chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch; thực hiện cách tiếp cận mới trong phòng chống dịch. Theo đó, chủ động tấn công là phải xét nghiệm chủ động, tích cực hơn nữa, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để tập trung cho công tác rất quan trọng này, từ đó phát hiện sớm các ca bệnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải tiếp cận vắc-xin nhanh nhất, sớm nhất có thể, cần quyết liệt hơn nữa, cụ thể hơn nữa cả về số lượng và chất lượng vắc-xin. Tăng cường vật tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất để chủ động cho công tác phòng chống dịch, nhất là tại các địa phương trọng điểm, có nguy cơ cao.
Thủ tướng yêu cầu khen thưởng những người làm tốt, tích cực, xả thân, hy sinh vì cộng đồng, những người đang ở tuyến đầu chống dịch, những mô hình hay, cách làm tốt. Đồng thời, cương quyết xử lý kịp thời những người vi phạm, kể cả đình chỉ, cách chức những người có chức vụ và xử lý hình sự nếu thấy dấu hiệu vi phạm đã rõ.
"Trong hơn một năm qua, ngành y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia đã đi đúng hướng trong chỉ đạo phòng chống dịch. Chúng ta không hoảng hốt, không mất bản lĩnh, cần tiếp tục kết hợp hài hòa giữa phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh với phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép" - Thủ tướng nêu rõ.
9 hạn chế của ngành y tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra 9 hạn chế của ngành y tế:
- Chưa có chiến lược tổng thể để phát triển ngang tầm vai trò, vị trí của ngành và sự phát triển của đất nước.
- Thể chế, cơ chế, chính sách còn bất cập, vướng mắc nhiều, phải cố gắng hơn nữa để tháo gỡ.
- Cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, nhất là cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực để phát triển ngành.
- Hệ thống tổ chức và quản trị y tế còn bất cập về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác.
- Chất lượng nhân lực ngành y nổi trội so với điều kiện chung của đất nước nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.
- Cơ sở vật chất chưa thực sự xứng tầm với yêu cầu và nhiệm vụ.
- Có nơi, có lúc còn lơ là, chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng. Tình trạng tham nhũng, sách nhiễu, phiền hà đã được khắc phục nhiều nhưng vẫn tồn tại, để nhân dân tâm tư, lo lắng, thậm chí bức xúc.
- Việc thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong ngành y còn hạn chế, chậm hơn so với một số ngành, nhất là việc tính giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ, cần nghiên cứu làm tốt hơn.
- Công tác phòng chống dịch bệnh cơ bản tốt nhưng có nơi, có lúc vẫn còn lơ là, mất cảnh giác, dẫn tới bị động, lúng túng trong đợt dịch mới.
Cần tăng gấp 3 lần bác sĩ, điều dưỡng
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc sáng 15-5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, đưa y tế Việt Nam vào tốp 30 thế giới. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, "mỗi người dân mỗi năm được khám sức khỏe sàng lọc ít nhất một lần". Thực hiện nền y tế công khai, minh bạch, triệt để công khai, minh bạch trong quản lý, cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế...
Đánh giá chung về ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết theo các xếp hạng toàn cầu, tiêu chí về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đứng trong tốp 50 - tương đương với các nước có thu nhập GDP bình quân đầu người đạt 10.000 USD. Tuy nhiên, chỉ số chất lượng dịch vụ y tế đứng thấp hơn, trong đó giá thành dịch vụ và hạ tầng thấp nhất; tiêu chí về khám sàng lọc đứng thứ 104 theo xếp hạng của Quỹ Bill & Melinda Gates... Theo Phó Thủ tướng, cần phải tháo gỡ vướng mắc về biên chế, tự chủ thì các bệnh viện mới có cơ chế, nguồn lực để tuyển thêm bác sĩ, điều dưỡng viên. Ước tính theo nhu cầu hiện nay, số bác sĩ, điều dưỡng viên phải tăng gấp 3 lần.
Bình luận (0)