Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết trong năm 2019, có 154 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ảnh hưởng doanh nghiệp chân chính
Theo Bộ Công Thương, đáng chú ý là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Trong số 154 vụ việc nói trên, chiếm nhiều nhất là các vụ việc điều tra chống bán phá giá, với 87 vụ; còn lại vụ việc tự vệ 33 vụ, chống lẩn tránh thuế 19 vụ… Đặc biệt, trong số các vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ thì thép là sản phẩm bị khởi kiện nhiều nhất, phần lớn do Mỹ tiến hành.
Gần đây nhất, vào tháng 12-2019, Mỹ đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với thép CORE, CRS với cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM đang áp dụng với Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Với kết luận tồn tại lẩn tránh thuế, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế chống lẩn tránh tương đương với mức thuế đang áp dụng cho hàng hóa của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) xuất khẩu vào Mỹ.
Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các vụ việc điều tra về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
Ngoài các nước là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam thường xuyên áp dụng các biện pháp PVTM như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU, trong thời gian gần đây, nhiều nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Thái Lan cũng có động thái đẩy mạnh các vụ kiện PVTM đối với Việt Nam. Bộ Công Thương nhận diện các vụ việc này có dấu hiệu lợi dụng lấy xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh thuế PVTM, hàng hóa lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương), bày tỏ lo ngại gian lận xuất xứ gia tăng tạo ra nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng xuất khẩu. "Khi phát hiện hành vi lẩn tránh, đặc biệt là gian lận xuất xứ, nước áp dụng biện pháp PVTM thường áp dụng luôn biện pháp này cho hàng hóa tương tự của quốc gia có hành vi lẩn tránh, gây ảnh hưởng liên đới tới các DN xuất khẩu chân chính" - ông Dũng cảnh báo.
Cũng theo ông Dũng, công tác chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ trên thực tế gặp không ít khó khăn. Cụ thể, gian lận xuất xứ thường xảy ra đối với hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ như Mỹ, EU, Canada. Các thị trường này không yêu cầu doanh nghiệp (DN) xuất trình chứng nhận xuất xứ (C/O) do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. "Nếu nước nhập khẩu yêu cầu C/O do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp thì gian lận xuất xứ sẽ được xử lý triệt để bởi các cơ quan quản lý chủ động kiểm tra, giám sát, siết chặt khâu cấp C/O. Tuy nhiên, các thị trường như vừa nêu, C/O không phải là chứng từ bắt buộc, DN được tự khai và tự chịu trách nhiệm với hải quan nước nhập khẩu nên khi có sự cố, cơ quan chức năng của Việt Nam rất khó vào cuộc nếu như không được hải quan nước nhập khẩu cung cấp thông tin" - ông Dũng nói thêm.
Những khuyến cáo cần thiết cho doanh nghiệp
Bình luận về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng trong ngắn hạn, các vụ việc gian lận thương mại chỉ có lợi ích cho một số DN làm ăn không tuân thủ pháp luật, có hành vi gian lận xuất xứ, chuyển hàng bất hợp pháp qua Việt Nam. Tuy nhiên, về dài hạn, hành vi này lại làm tăng chi phí và ảnh hưởng lớn tới các DN làm ăn chân chính, bởi lẽ để chứng minh sự tuân thủ quy định của các quốc gia xuất khẩu sẽ rất khó khăn.
Để khắc phục, theo ông Doanh, ngoài các giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước thì DN phải đóng vai trò chủ lực. DN cần nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, các nhóm mặt hàng thường bị kiện. Bên cạnh đó, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Ông Lê Triệu Dũng khuyến cáo thêm trong thời gian qua, các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Canada thường xuyên thay đổi quy định, thủ tục điều tra theo hướng dễ khởi xướng điều tra, áp dụng hơn. Trong nhiều trường hợp, cơ quan điều tra như Hải quan và Biên phòng Mỹ có thể chủ động điều tra mà không phải công bố gì cả. Do đó, DN cần tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của các nước để chủ động ứng phó. Mặt khác, các DN cân nhắc khi mở rộng đầu tư, nhất là sản xuất phục vụ xuất khẩu các mặt hàng đã bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp PVTM.
Về phía Tổng cục Hải quan, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, khuyến cáo: Khi kiểm tra hồ sơ lô hàng và thực tế hàng hóa, cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra cụ thể tên hàng, C/O hàng hóa, nhãn hàng hóa. Đồng thời, cơ quan hải quan sẽ thu thập thông tin những mặt hàng mà các thị trường lớn áp dụng thuế chống bán phá giá nhằm kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, sẽ phân tích, đánh giá số liệu để kịp thời phát hiện DN nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá, hoặc đang điều tra về PVTM...
Theo dõi mặt hàng có kim ngạch XNK bất thường
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành nghị quyết về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Theo đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Tổng cục Hải quan theo dõi số liệu xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam đang điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM để hằng tháng cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương, Bộ Công an, trong đó đặc biệt lưu ý hiện tượng kim ngạch XNK biến động bất thường. Đồng thời, hợp tác với hải quan các nước để dự báo khả năng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng các biện pháp PVTM.
Bình luận (0)