Ngày 27-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Công Thương. Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp của ngành công thương vào sự phát triển chung của đất nước trong năm qua.
Xuất khẩu sang nhiều thị trường "khó tính"
Báo cáo về bức tranh tổng thể của ngành công thương trong năm 2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ ra nhiều gam màu sáng góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo đó, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 500 tỉ USD, trong đó 32 mặt hàng có giá trị xuất khẩu từ 1 tỉ USD trở lên, 8 mặt hàng trên 5 tỉ USD, 6 mặt hàng trên 10 tỉ USD. Người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh Nhật Bản, Mỹ, EU, ASEAN... vẫn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm qua. Việt Nam đã xuất siêu vào thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng như Mỹ với 46,4 tỉ USD, EU gần 27 tỉ USD. Sau một năm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các nước khu vực này đã tăng đáng kể như Canada đạt gần 4 tỉ USD, Mexico xấp xỉ 3 tỉ USD.
Thủy sản là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt hàng tỉ USD trong năm 2019
Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, trong những năm gần đây, Bộ Công Thương đã tiếp tục thực hiện tốt khâu kiểm soát nhập khẩu. Theo đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng cần thiết cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu đều tăng khá. "Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 9,94 tỉ USD, góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế" - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, dù kết quả xuất nhập khẩu khả quan trong bối cảnh khó khăn của khu vực và thế giới nhưng nhìn chung, xuất nhập khẩu chỉ ở chiều rộng, mức độ phát triển về chiều sâu chưa tương xứng với nỗ lực, yêu cầu. "Do đó, toàn ngành phải tiếp tục phát triển bền vững thị trường nước ngoài, tăng cường năng lực cạnh tranh trên cơ sở tái cơ cấu nền công nghiệp, để bảo đảm khả năng tham gia thị trường quốc tế bền vững" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Về thị trường trong nước, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng tốt, ước cả năm đạt khoảng 4.940 ngàn tỉ đồng, tăng 11,86% so với năm 2018. Ngành công thương cũng đã phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Cho rằng Bộ Công Thương là bộ "siêu quyền lực", quản lý nhiều doanh nghiệp (DN) nhà nước, có nhiều điều kiện kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá bộ đã có chuyển biến tích cực trong lĩnh vực cải cách các điều kiện kinh doanh. Bộ Công Thương về đích sớm nhất các mục tiêu Thủ tướng giao: cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Theo ông Lộc, trong năm 2019, các hoạt động về phòng vệ thương mại, chống gian lận thương mại được ngành công thương triển khai chuyên nghiệp, hiệu quả.
Bên cạnh các kết quả tích cực, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp chậm, chưa hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Liên kết và hợp tác trong cùng một ngành, giữa các ngành còn chưa phát triển. Đặc biệt, liên kết DN trong nước với các DN FDI trong nhiều lĩnh vực còn chậm khắc phục; thu hút và quản lý, sử dụng đầu tư nước ngoài chưa hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ và xử lý trong thời gian tới.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2019 có thể được xem là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Đây cũng là một trong các chỉ tiêu kinh tế quan trọng thiết lập những kỷ lục mới với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 264 tỉ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 516 tỉ USD. Tuy nhiên, trước tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường, Thủ tướng yêu cầu ngành công thương trong năm 2020 phải nâng cao năng suất nội ngành của các ngành công nghiệp. "Phát triển ngành công nghiệp phải giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ. Thay vào đó, phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh" - Thủ tướng chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý về việc xem DN là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành. Theo đó, tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân và DN. Từ những hạn chế của ngành công nghiệp mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu ở trên, Thủ tướng yêu cầu bộ sớm cơ cấu lại ngành công nghiệp, bám vào tăng năng suất, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương trong năm tới cần chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. Thủ tướng cũng yêu cầu không để mất thị trường bán lẻ Việt Nam, nên cần phát huy ngành hàng, hiệp hội, chống buôn lậu và gian lận thương mại, dự báo cân đối cung cầu, phát triển thị trường mới và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Trước nguy cơ thiếu điện trong những năm tới, Thủ tướng yêu cầu ngành công thương giải quyết các vấn đề còn tồn tại để bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng chỉ đạo trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Về năng lượng tái tạo, lãnh đạo Chính phủ giao nhiệm vụ cho bộ sớm xây dựng khung pháp lý về giá điện để kịp thời khai thác, nhất là đối với điện mặt trời.
Nhiều địa phương không mặn mà với ngành dệt may
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết năm 2019 toàn ngành xuất khẩu đạt 39 tỉ USD, trong khi đó chiến lược quy hoạch ngành đến năm 2020, toàn ngành dệt may xuất khẩu chỉ là 20 tỉ USD. Điều này cho thấy chiến lược không còn phù hợp nên hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương có dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ, sớm ban hành lại quy hoạch phát triển ngành đến năm 2040. Bên cạnh đó, những yếu tố về môi trường khiến nhiều địa phương không mặn mà, không tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Ông Giang kiến nghị sớm có chiến lược phát triển ngành, quy hoạch các vùng công nghiệp bảo đảm về vấn đề môi trường để gỡ vướng cho ngành dệt may.
Bình luận (0)