Những con sóng bạc đầu uy hiếp làng biển Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An (Phú Yên)
Sáng nay (10-11), Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã có chuyến thị sát công tác chuẩn bị sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng của cơn bão số 6 tại 2 huyện Đông Hòa và Tuy An.
Những con sóng cao hơn 3m liên tục đập vào bờ
Tại huyện Đông Hòa, ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND huyện này, cho biết điều đáng lo nhất là đối với 634 người nuôi tôm hùm trên Vũng Rô. "Chúng tôi xác định đến trưa nay, nếu còn ai bám trụ, chưa chịu vào bờ thì chúng tôi quyết cưỡng chế. Không để 1 ai ngoài biển" – ông Tiến nói.
Mưa mù trời, sóng nhảy dựng ở Phú Yên (Dựng: Hải Lê)
Tại đây, ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu khẩn trương và không du di cho bất kỳ trường hợp nào còn lại ngoài biển: "Bộ đội Biên phòng và Công an đưa tàu và ca nô đưa hết dân còn trên biển vào bờ. Sớm được lúc nào hay lúc đó vì gió sẽ lên mạnh, chậm là sẽ khó vào bờ" – ông Dương chỉ đạo.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đang thị sát vùng bị triều cường uy hiếp của xã An Chấn, huyện Tuy An
Tại tỉnh Phú Yên, từ đêm qua đến trưa nay mưa lớn liên tục diễn ra. Cùng với đó, những con sóng bạc đầu cao hơn 3m liên tục bổ vào bờ. Theo công điện mới nhất của UBND tỉnh Phú Yên, lượng mưa đo được trong ngày từ 200-300mm. Mưa lớn sẽ gây ngập lụt nhiều nơi. Mực nước các sông sẽ lên báo động cấp 2 và 3, gây nguy hiểm do sạt lở, lũ quét ở nhiều nơi, nhất là các vùng gần sông suối. Chiều tối nay, vùng biển Phú Yên sẽ có gió cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 12, sóng biển sẽ cao từ 6-8m. Do ảnh hưởng nước dâng và sóng lớn, các khu vực ven biển các huyện thị Đông Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu, TP Tuy Hòa, có nguy cơ bị nước biển xâm thực và sạt lở nghiêm trọng.
Gia đình ông Cuộng (xã An Chấn, huyện Tuy An) đang lo lắng ngôi nhà nhỏ của mình sẽ bị sóng biển nuốt chửng
Thị sát tại thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, chúng tôi ghi nhận hiện vẫn còn một số hộ dân sát mé biển vẫn còn đang bám trụ tại nhà, khi bên ngoài sóng to đang uy hiếp. Ông Phạm Văn Chuộng là một người như thế. "Nhà đã dọn đồ đạt hết rồi. Nếu sóng cao hơn chút nữa là cả nhà bỏ chạy đi trú thôi" – ông Chuộng cho hay
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, trong đợt bão này, Phú Yên dự kiến sẽ phải sơ tán trên 30.000 người đến nơi an toàn. "Phương châm của tỉnh là chuẩn bị nhiều nhất để thiệt hại ít nhất" – ông Thế nói.
Bờ kè biển ở xã An Chấn, huyện Tuy An cũng bị đe dọa trước bão số 6
Hiện Thủy điện Sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng 500m3/giây đưa mực nước hồ xuống dưới cao trình 102m/ 105m của mực nước thiết kế để đón lũ, tránh cho hạ du bị ngập nặng khi mưa lớn thêm.
Dự báo tâm bão số 6 sẽ vào thẳng TP Tuy Hòa (Phú Yên) vào đêm nay.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đang dốc toàn lực để phòng tránh bão số 6.
Ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư huyện ủy Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết do ảnh hưởng bão số 6, chiều nay, khu vực huyện Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.
"Hiện tại huyện cơ bản hoàn thành công tác triển khai phòng chống bão. Trong đó, đã di dời 30 người dân ở Đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn) vào sâu bên trong. Ở Đảo Lớn, chính quyền vận động người dân ở khu vực nguy hiểm của 2 xã An Hải và An Vĩnh chủ động di dời vào các nhà ở kiên cố (khu vực phía trong đảo) khi thời tiết tiếp tục có diễn biến xấu, sóng biển cao, gió giật mạnh hơn vào chiều nay" - ông Vy thông tin.
Mưa lớn, gió giật cấp 8-9 tại đảo Lý Sơn. Ảnh: FB Lý Sơn
Huyện đảo Lý Sơn là một trong 2 huyện của tỉnh Quảng Ngãi cùng huyện Đức Phổ được dự báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi bão số 6 đổ bộ. Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã lập Tiểu ban tiền phương ứng phó tại Lý Sơn, di dời và sơ tán khoảng trên gần 300 hộ và trên 1.000 dân.
Người dân ở Quảng Ngãi chèn chống nhà cửa, ứng phó bão số 6. Ảnh: TửTrực
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đến cuối chiều 10-11, toàn tỉnh đã di dời, sơ tán hơn 10.000 hộ dân đến nơi an toàn. Đa phần người dân tự di dời xen ghép từ những nhà không kiên cố đến những nhà kiên cố và nhiều điểm di dân tập trung.
"Việc di dân đã hoàn tất, nếu hộ dân nào không thực hiện việc di dời sẽ tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, ý thức người dân cơ bản tốt, họ tự di chuyển qua nhà hàng xóm kiên cố để tránh bão. Một số người còn ở nhà thì lực lượng chức năng đến nói, phân tích cho họ hiểu mức độ nguy hiểm cũng đã tự thực hiện", ông Bính nói.
Bình luận (0)