Những ngày qua, các vườn cà phê ở Tây Nguyên đang chín đỏ nhưng chủ vườn chẳng tìm đâu ra người hái.
Anh Phạm Văn Hưởng (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) tìm khắp nơi mấy ngày qua nhưng vẫn không thuê được người hái cho gần 2 ha vườn cà phê đang chín đỏ cả cành. Khi cà phê chín khoảng 80%, anh Hưởng bắt đầu tìm thuê nhân công nhưng đến nay, cà phê đã chín rộ mà vẫn không có người hái. Theo anh Hưởng, mọi năm chỉ cần ra những chợ lao động trong huyện là có nhiều nhóm người từ xuôi lên đi hái thuê cà phê với giá 80.000 đồng/tạ. Tuy nhiên, những ngày này, nhiều chủ vườn bóp bụng thuê với giá 100.000 đồng/tạ mà vẫn không tìm ra người hái. Anh Hưởng cất công qua tận chợ lao động ở huyện Đắk Đoa tìm người nhưng cũng đành về tay không.
Không thuê được nhân công, chủ vườn phải huy động người nhà quấn chăn thu hoạch cà phê chín. Ảnh: PHẠM HƯỞNG
Huyện Đắk Hà là vùng cà phê nổi tiếng của tỉnh Kon Tum với khoảng hơn 9.000 ha cà phê đang kinh doanh cũng rơi vào cảnh tương tự. Theo ông Nguyễn Văn Nam, ngụ xã Đắk Mar, do lượng nhân công tại địa phương ít, người từ các tỉnh miền xuôi lên để hái thuê cà phê cũng giảm hơn so với các năm trước rất nhiều vì sợ... lạnh. Những ngày qua, nhiệt độ ở Tây Nguyên liên tục giảm. Có bữa, nhiệt độ chỉ còn 10 độ C vào sáng sớm. Ngay cả những người quen với cái lạnh Tây Nguyên cũng ngại ra vườn, huống gì người miền xuôi quen với gió biển.
Không tìm đâu ra nhân công, cũng không thể để cà phê chín rụng trong vườn, những chủ vườn phải huy động người nhà đi hái. Để chống lại cái lạnh như cắt da, họ quấn cả chăn bông lên mình để đi hái cà phê. Về Tây Nguyên những ngày này, bạn không khỏi phì cười khi thấy giữa vườn cà phê xanh um ấy lại thấp thoáng những sắc màu vàng vàng, đỏ đỏ của những chiếc chăn bông ẩn hiện. Cái lạnh cũng làm cho con người ta ít rôm rả. Có khi cả buổi trong vườn đang thu hoạch cà phê lại chẳng ai nói lời nào.
Cà phê đắng nhưng tâm trạng người trồng cà phê giờ đây còn đắng hơn.
Bình luận (0)