xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quản chặt vốn công

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ công khai danh sách bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có hình thức xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Tiết kiệm gần 54.000 tỉ đồng

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2022, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Kết quả tổng số cắt giảm chi của các bộ, cơ quan trung ương được khoảng 716,9 tỉ đồng. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước 53.887 tỉ đồng. Trong đó bộ, ngành 9.901 tỉ đồng; các địa phương 38.157 tỉ đồng; các tập đoàn, tổng công ty 5.837 tỉ đồng.

Về tổ chức bộ máy, các bộ, ngành trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; 90% phòng trong vụ. Các địa phương giảm 7 sở và 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Lũy kế đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương. Cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016; tinh giản biên chế giảm 79.057 người (tỉ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021).

Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, đã có 18/19 tập đoàn, tổng công ty xây dựng đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 và đang tiếp tục hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành. Năm 2022, các doanh nghiệp đã thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 883,7 tỉ đồng, thu về 4.290,6 tỉ đồng; tích cực xử lý, cơ cấu lại dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả...

Về công tác thanh tra, kiểm tra góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong năm 2022, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỉ đồng, 8.777 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 26.654 tỉ đồng và thu hồi 574 ha đất. Bên cạnh đó, ngành thanh tra tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.371 kết luận thanh tra và các quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 3.440 tỉ đồng, 32 ha đất; xử lý hành chính đối với 4.052 tổ chức, 9.297 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 132 vụ, 181 đối tượng…

Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Đó là tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm; công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm; quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời... Ngoài ra, công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vẫn còn hạn chế.

Quản chặt vốn công - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng vẫn còn xảy ra tình trạng lãng phí, vi phạm, sai sót trong quản lý lĩnh vực ngân sách, đầu tư công, mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công

Lãng phí do nguồn lực không được sử dụng

Làm rõ những hạn chế, bất cập, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) đánh giá có tình trạng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc này tồn tại trong nhiều năm, cho thấy thủ trưởng cơ quan, tổ chức chưa coi trọng, chưa chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc xây dựng, triển khai công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Nếu loại trừ khoản giải ngân kế hoạch vốn địa phương giao tăng thêm từ nguồn vượt thu thì tỉ lệ giải ngân còn thấp hơn số Chính phủ đã báo cáo, khi còn 31/51 bộ và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch.

Ủy ban TC-NS cũng đánh giá tình hình và kết quả triển khai Nghị quyết 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chậm, chưa quyết liệt. Vì vậy, việc rà soát, phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí liên quan đến 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc, để đất đai hoang hóa, lãng phí và 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng của các bộ, ngành, địa phương.

Dành sự quan tâm đến lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Phạm Thúy Chinh cho rằng công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện, từ đó không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Dù Chính phủ đã quyết liệt triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng kết quả còn hạn chế, nhất là trong phân bổ vốn, dẫn đến lãng phí do nguồn lực không được sử dụng.

Từ thực tiễn trên, qua thẩm tra, Ủy ban TC-NS đề nghị Chính phủ công khai danh sách bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và năm 2023; có hình thức xử lý đối với hành vi lãng phí, vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Còn theo Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương, Chính phủ cần tập trung đánh giá rõ những ưu điểm nổi bật, biểu dương những nơi làm tốt, những nơi có chuyển biến trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, cần đánh giá mức độ lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, trong việc chậm triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục trong thời gian tới. 

Tại phiên họp thứ 23, ghi nhận kết quả đạt được về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng vẫn còn xảy ra tình trạng lãng phí, vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong quản lý lĩnh vực ngân sách, đầu tư công, mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công... Bên cạnh đó, những trở ngại về thủ tục hành chính cũng ảnh hưởng đến tình hình chung, gây phiền hà, cản trở cho doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.

TP HCM: Phải bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

Lâm Đồng kiểm điểm 11 sở, ngành, địa phương giải ngân thấp

Tại buổi giám sát về thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 tại Ban Quản lý dự án các công trình giao thông TP HCM (gọi tắt là Ban Giao thông) mới đây, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị Ban Giao thông tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm của thành phố, đặc biệt là dự án thành phần 2 đường Vành đai 3; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Cũng tại buổi giám sát này, Ban Giao thông báo cáo từ đầu năm 2021 đến nay, ban được giao kế hoạch hơn 26.677 tỉ đồng tương ứng với 162 dự án. Trong đó, 55 dự án đã và đang quyết toán, 36 dự án thi công, 46 dự án vướng mắc, 23 dự án chưa khởi công và chuẩn bị đầu tư 2 dự án. Bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị Ban Giao thông phân tích rõ nguyên nhân vướng mắc, đề ra giải pháp khắc phục. Đối với 27 dự án trong tổng số 162 dự án trên được đề xuất chuyển tiếp giai đoạn sau, cần làm rõ và xem lại có bao nhiêu dự án chuyển liên tiếp 3 kỳ bố trí vốn đầu tư trung hạn. Ngoài ra, 46 trường hợp vướng phải tập trung tháo gỡ vì không thể tiếp tục ngâm vốn, gây lãng phí.

. UBND tỉnh Lâm Đồng vừa thống nhất với báo cáo của Sở Nội vụ kết quả kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân tại 5 sở, ngành và 6 địa phương có liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp hơn mặt bằng chung toàn tỉnh.

Các đơn vị kiểm điểm trách nhiệm gồm: Sở Xây dựng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Quản lý Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; UBND TP Bảo Lộc và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đức Trọng.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh Lâm Đồng năm 2022 là 78,6%. Trong đó, 5 sở, ngành và 6 địa phương nêu trên có tiến độ giải ngân thấp hơn mặt bằng chung toàn tỉnh với tổng cộng 21 dự án thuộc 5 sở, ngành và 42 chương trình - công trình - dự án thuộc 6 địa phương.

Q.Anh - Tr.Nguyên

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo