Dẫn chứng tình trạng "báo hóa" tạp chí, nhiều tạp chí điện tử hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra các giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề này. Bộ trưởng Bộ TT-TT thừa nhận tình trạng này và cho biết bộ cũng như Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam đã nắm được và đưa ra giải pháp xử lý.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc quản lý báo chí hiện nay thông qua tôn chỉ mục đích, mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình. Ngoài ra, Luật Báo chí đã quy định rõ tạp chí có tôn chỉ mục đích khác với cơ quan báo, đó là tập trung vào nội dung chuyên ngành và tính định kỳ. Theo bộ trưởng, thực trạng xa rời tôn chỉ mục đích chủ yếu xảy ra với các cơ quan báo chí của hội, thậm chí có tình trạng báo chí phải nộp tiền cho cơ quan chủ quản như hình thức "nộp tô", trong khi theo luật thì cơ quan chủ quản phải bảo đảm đủ điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí.
Hiện Bộ TT-TT đang tiến hành quy hoạch báo chí, trong đó có việc cấp lại giấy phép, làm rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí. "Các giải pháp tiếp theo là cần xử lý nghiêm minh; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản tạp chí, báo, bởi thời gian qua có một số cơ quan chủ quản đã buông lỏng quản lý" - bộ trưởng cho hay.
Liên quan đến lĩnh vực báo chí, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" vẫn tái diễn, trong khi các giải pháp để chấm dứt tình trạng này chưa đủ mạnh. "Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao vai trò quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn tình trạng này?" - ĐB Nguyễn Lân Hiếu chất vấn. Người đứng đầu Bộ TT-TT trả lời: Để phát hiện, xử lý tình trạng "đăng rồi gỡ", Bộ TT-TT đã xây dựng bộ công cụ, yêu cầu các cơ quan báo chí, tạp chí phải có trách nhiệm nộp lưu chiểu và đưa về trung tâm lưu trữ dưới dạng điện tử, sau đó bộ lọc sẽ phát hiện tin bài nào đã gỡ xuống.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG VINH
Nêu băn khoăn của cử tri về tình trạng nhiều bài báo "giật tít, câu view", lợi dụng tính hiếu kỳ của một số lượng độc giả để đưa vấn đề thiểu số lên thành trào lưu, làm tác động xấu đến xã hội, bất an cho nhân dân, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề nghị tư lệnh ngành thông tin và truyền thông đưa ra những giải pháp hữu hiệu nào để khắc phục. Thừa nhận đây là vấn đề nhức nhối, kéo dài, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm vì chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý. Do đó, thời gian tới, bộ sẽ làm việc với các công ty công nghệ để có bộ công cụ so sánh tựa đề và nội dung xem có phù hợp với nhau hay không.
Trước thực trạng thông tin xấu độc xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội, nhiều website mạo danh các tổ chức, cá nhân để đưa thông tin sai sự thật, nhiều ĐB Quốc hội bày tỏ lo ngại và đề nghị người đứng đầu Bộ TT-TT có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết 2 tháng vừa qua, Bộ TT-TT đã rất mạnh tay với các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, nhà nước, đã gỡ được 207 trang. Theo bộ trưởng, đây là câu chuyện mang tính toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. Loại thông tin xấu độc này chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google. Hiện nay, Facebook và Google cũng chưa thực hiện lưu trữ dữ liệu theo quy định của Luật An ninh mạng... Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để hạn chế tin xấu độc, sắp tới bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, coi đây như một đạo luật về ứng xử trên không gian mạng.
Tham gia làm rõ thêm các nội dung ĐB quan tâm tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức về an ninh mạng, nói cách khác là đang đối mặt với cuộc chiến tranh mạng. Đấu tranh với loại tội phạm này rất khó khăn bởi tính chất ẩn danh, hoạt động trên tất cả các mặt đời sống - kinh tế - văn hóa - xã hội. Bộ Công an đang phối hợp với các ngành để bảo đảm an ninh, an toàn trên mọi mặt.
Bình luận (0)