Ngày 26-7, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn; xem xét, thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp thứ 6
Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026
Trong phiên chất vấn, các đại biểu nêu lên nhiều vấn đề quan trọng, trong đó đề cập việc xử lý các dự án chậm tiến độ.
Tham gia chất vấn tại HĐND tỉnh Quảng Bình, các đại biểu tỉnh này cho rằng một số quy hoạch "treo", dự án "treo" tồn tại nhiều năm nay dẫn đến nhiều khu đất "vàng" ngay trung tâm bỏ trống, làm mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến quyền lợi và cuộc sống nhân dân.
Đại biểu Phan Trần Nam lo ngại tình trạng một số quy hoạch, dự án "treo" trong nhiều năm, dẫn đến nhiều khu đất "vàng" ngay trung tâm bỏ trống, làm mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng quyền lợi và cuộc sống của người dân. Nguyên nhân là một số nhà đầu tư cố tình giữ đất, không triển khai dự án và chờ cơ hội chuyển nhượng dự án.
Dự án Khách sạn 5 sao ở ven biển Bảo Ninh, TP Đồng Hới - dừng thi công kéo dài sau khi hoàn thành phần thô - ảnh HOÀNG PHÚC
Việc xử lý các dự án chậm tiến độ tại địa phương này còn chưa có tính dứt điểm, dứt khoát. Ngoài ra, các vấn đề về đền bù giải phóng mặt bằng các dự án, khai thác tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường, giá và chất lượng sách giáo khoa mới, việc tăng học phí đối với các cấp học còn gây nhiều bức xúc trong cử tri.
Ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình, cho hay hiện nhiều nhà đầu tư có năng lực đang muốn vào tỉnh đầu tư, nhưng nguồn lực đất đai có hạn. Trong khi đó, không ít dự án đã được cấp phép trước đó lại không triển khai, thậm chí kéo dài nhiều năm, khiến các nhà đầu tư thực sự có năng lực, muốn có cơ hội đầu tư vào Quảng Bình lại bị hạn chế, mất cơ hội…
Ông Châu đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai để có quỹ đất giao cho nhà đầu tư có năng lực.
"Đối với dự án chậm tiến độ kéo dài, UBND tỉnh cũng như các sở, ban, ngành liên quan phải có biện pháp quyết liệt, kiên quyết thu hồi, tái thiết lại trật tự… nhường đất cho nhà đầu tư có tiềm năng về đầu tư tại địa phương" - ông Châu nhấn mạnh.
Hai lô đất "vàng" trên bán đảo Bảo Ninh, TP Đồng Hới - nơi ví như hòn ngọc của tỉnh Quảng Bình - được UBND tỉnh cấp cho Công ty TNHH Phú Ninh đầu tư xây khu nghỉ dưỡng, khu nhà hàng ẩm thực từ năm 2015 nhưng bị "treo" một thời gian dài. Sự việc này Báo Người Lao Động từng nhiều lần phản ánh.
Ông Nguyễn Huệ - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình - thông tin thời gian qua, sở đã tập trung thanh tra, kiểm tra các dự án chậm tiến độ, đã ban hành quyết định thanh tra thêm 16 dự án từ tháng 8 đến cuối năm để tham mưu cụ thể từng dự án.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 761 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó khoảng 173 dự án chậm tiến độ nhiều năm (22,7%). Cụ thể, 103 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 68 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất và 2 dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị.
Nguyên nhân là do công tác chuẩn bị đầu tư mất rất nhiều thời gian, việc các tổ chức kinh tế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư gây khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Sự cố môi trường biển năm 2016 và đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay cũng là nguyên nhân tác động tiêu cực đến nguồn lực tài chính của nhà đầu tư.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư cố tình giữ đất, không triển khai thực hiện dự án để chờ cơ hội chuyển nhượng dự án. Trong khi đó, quy định của pháp luật về điều kiện thu hồi đất của nhà đầu tư do chậm tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng dự án chậm trễ kéo dài, nhưng không thể thu hồi đất.
Bình luận (0)