Sáng 26-11, tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội nghị báo cáo và tham vấn "Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" (viết tắt là Quy hoạch vùng ĐBSCL) với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.
Chú trọng sinh kế nông dân
Hội nghị đã lấy ý kiến của lãnh đạo bộ, ngành, các địa phương trong vùng ĐBSCL và chuyên gia để Bộ KH-ĐT và đơn vị tư vấn hoàn thiện dự thảo quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 12-2020.
Triển khai sớm và hiệu quả quy hoạch ĐBSCL để kinh tế - xã hội khu vực này bật lên .Ảnh: NGỌC TRINH
Quy hoạch vùng ĐBSCL được xây dựng dựa trên nguyên tắc: "Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường" với 5 quan điểm định hướng phát triển vùng, gồm: Phát triển bền vững, biến thách thức thành cơ hội, phát triển tập trung, liên kết vùng, phát triển hạ tầng. "Định hướng chiến lược chủ đạo của vùng là lấy con người làm trọng tâm trên cơ sở xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn, với mật độ dân số phù hợp, trình độ kinh tế và chất lượng cung ứng dịch vụ ngày càng cải thiện, nâng cao lợi thế cạnh tranh của vùng ĐBSCL. Qua đó thu hút được các dự án đầu tư có quy mô lớn để tạo nên bước nhảy vọt về phát triển kinh tế - xã hội của đồng bằng" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, quy hoạch trước đây không chú trọng nông dân, còn quy hoạch vùng ĐBSCL lần này lấy con người làm trọng tâm. "Con người ở đây là nông dân, làm sao cho họ giàu lên" - GS-TS Võ Tòng Xuân nói.
Đánh giá quy hoạch ĐBSCL tương đối toàn diện, GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết quy hoạch lần này xác định lương thực là chính nhưng không sản xuất nhiều như trước. Ông chỉ ra: "Sản xuất bảo đảm an ninh lương thực, có dư thì xuất khẩu, để lại đất phát triển mạnh cây ăn trái, thủy sản, chăn nuôi. Với quy hoạch lần này thì ĐBSCL trọng điểm không chỉ của Việt Nam mà còn cả Đông Nam Á".
Cần khai thác không gian ven biển
Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho rằng quy hoạch vùng ĐBSCL chưa nói nhiều đến việc phát triển không gian ra hướng biển. "Với hơn 700 km ven biển, nếu chúng ta có định hướng và đầu tư đúng thì sẽ làm thay đổi bộ mặt vùng. Đề nghị Bộ trưởng Bộ KH-ĐT và các lãnh đạo trung ương quyết tâm đưa việc xây dựng không gian ven biển vào quy hoạch, coi đây là điểm quan trọng để phát triển các ngành kinh tế biển" - ông Mãi đề nghị.
Đơn vị tư vấn là Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV&GIZ đã đưa ra nhiều điểm mới trong quy hoạch vùng ĐBSCL. Đó là phân ĐBSCL thành 3 vùng. Trước đây, khi nói đến ĐBSCL thì chỉ nói về nước ngọt và nước mặn. Nhưng trong quy hoạch lần này, đơn vị tư vấn đề nghị lùi phần nước ngọt vào sâu bên trong, khoảng giữa là nước lợ, còn lại là nước mặn và có những giải pháp cho từng vùng phát triển "thuận thiên", chứ không phải là ngăn mặn, giữ ngọt như trước nay.
"Mục tiêu mà đơn vị tư vấn đưa ra trong bản quy hoạch là lấy con người làm trung tâm. Có giao thông, bệnh viện, trường học thuận lợi. Các dịch vụ công của chính quyền đáp ứng, bảo đảm việc làm, sinh kế an toàn, mang lại hạnh phúc cho người dân. Đấy mới là mục tiêu hướng đến của quy hoạch vùng ĐBSCL" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.
Kết nối liên vùng, quốc tế còn mờ nhạt
TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, cho rằng quy hoạch vùng ĐBSCL chưa nêu nổi bật được vấn đề kết nối. "Chúng ta đang giải quyết một khía cạnh rất nhỏ là quy hoạch kết nối trong vùng, còn kết nối liên vùng, kết nối với quốc tế còn mờ nhạt, chưa nhìn thấy hướng gì của vùng đặt trong vai trò của quốc tế trong tương lai" - ông Mười nêu.
TS Mười dẫn chứng ngành giao thông đang triển khai xây dựng quy hoạch giao thông vùng ĐBSCL đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 cơ bản đầy đủ gồm: đường hàng không, đường bộ, đường hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt. Nhưng để đầu tư đáp ứng cho quy hoạch thì chưa có nguồn lực vì suất đầu tư cho vùng rất lớn, đặc biệt là tuyến cao tốc và đường sắt. "Trong quy hoạch này cũng chưa thấy nhấn mạnh kết hợp giữa giao thông và đê điều thủy lợi nên cần cập nhật thêm" - ông Mười đề nghị.
Bình luận (0)