Trong quy hoạch mới, tỉnh Quảng Nam sẽ bảo vệ nghiêm ngặt khu vực vùng lõi Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên), bảo tồn gắn với phát huy, phát triển du lịch ở vùng đệm với các loại hình hướng đến cộng đồng, làng nghề, sinh thái…
Nâng chất lượng phục vụ du khách
Dự án Quy hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1915/QĐ-TTg phê duyệt ngày 30-12-2008. Theo đánh giá của Ban Quản lý (BQL) Di sản văn hóa Mỹ Sơn, qua 12 năm thực hiện, công tác xúc tiến, kêu gọi hỗ trợ bảo tồn, trùng tu di tích là một trong những điểm sáng, được nhiều chuyên gia đánh giá cao.
Điển hình là các dự án hợp tác 3 bên UNESCO - Việt Nam - Ý; dự án bảo tồn tôn tạo di sản văn hóa Việt Nam - Ấn Độ; ký kết hợp tác dịch thuật văn bia với Trung tâm Nghiên cứu văn hóa New Delhi - Ấn Độ; phối hợp với Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình thực hiện và ứng dụng đề tài "Đa dạng sinh thái rừng đặc dụng Mỹ Sơn"… Qua đó, đã phục hồi, định hình nguyên trạng tháp G, trùng tu khu tháp K, gia cố chống đỡ khu tháp H, đào tạo nghề bảo tồn, trùng tu di tích Chăm; bóc tách, phát lộ, phát hiện nhiều hiện vật có giá trị; rà phá bom mìn, cải tạo kỹ thuật hạ tầng, bảo đảm môi trường, cảnh quan khu di tích…; tổ chức sưu tầm và triển khai trưng bày các hiện vật có giá trị, biểu diễn văn hóa - nghệ thuật truyền thống Chăm; khai thác hiệu quả dịch vụ trung chuyển xe điện… nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhờ vậy, lượng khách và doanh thu tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2018, tổng lượt khách đạt 399.657, doanh thu hơn 62,1 tỉ đồng. Năm 2019, lượng khách đến Mỹ Sơn đạt 420.000 lượt, doanh thu khoảng 63 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, một số công việc thực hiện chậm, nhất là công tác bảo tồn, trùng tu các di tích hư hỏng, xuống cấp. Tồn tại dai dẳng là nhóm tháp F vẫn chưa được trùng tu, các tháp B3, B5, E4, F2… chưa có giải pháp bảo tồn hiệu quả; việc lấn chiếm đất tại khu vực bảo vệ II kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết; chưa có những sản phẩm du lịch đặc trưng, xứng tầm tại vùng đệm của khu di tích…; việc cắm mốc phân giới rừng vẫn chưa hoàn thành.
Công tác trùng tu, bảo tồn hiệu quả giúp Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn thu hút nhiều du khách, thoát khỏi cảnh đổ nát
Phát triển du lịch vùng đệm
Theo ông Phan Hộ, Giám đốc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, từ cuối năm 2018, BQL đã đề xuất thực hiện quy hoạch mới khi bản quy hoạch cũ đã vượt giới hạn không gian và sắp hết thời hạn. Tuy nhiên, việc thực hiện bản quy hoạch mới chậm do đơn vị tư vấn là Viện Bảo tồn di tích đang đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện quy hoạch năm 2008, dự kiến cuối năm nay mới hoàn tất.
Ông Nguyễn Công Khiết, Phó Giám đốc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết đã gửi một số đề xuất đến Viện Bảo tồn di tích về quy hoạch bảo tồn, phát triển Mỹ Sơn giai đoạn 2021-2035, tầm nhìn đến năm 2045. Bản quy hoạch mới sẽ kế thừa và bổ sung bản quy hoạch trước đây. Ranh giới quy hoạch được thực hiện trên toàn bộ diện tích 1.158 ha. Theo đó, sẽ được bổ sung cơ quan BQL khu vực phía Tây Nam, đầu tư hệ thống nhà hàng - khách sạn, không gian sinh hoạt về đêm, đường hoa trồng để trang trí. Phía Tây Bắc sẽ có bến du thuyền trên đập Thạch Bàn, đập giữ nước tại suối Khe Thẻ. Quy hoạch mới cũng sẽ bổ sung vườn tri ân những người có công trong công tác trùng tu, bảo tồn Mỹ Sơn, bể nước phục vụ du lịch, hệ thống hạ tầng phục vụ các dịch vụ như: kho, garage sửa chữa xe điện, nhà bán vé, bến xe. Điều chỉnh quy hoạch mới sẽ bỏ nhà văn nghệ dân gian Chăm tại tháp Mỹ Sơn, di dời ra ngoài nhà đôi theo đúng quy hoạch trước đây...
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng quy hoạch mới bảo đảm vùng lõi của di sản phải được bảo vệ nghiêm ngặt; vùng đệm thì bảo tồn gắn với phát huy, phát triển du lịch gắn với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái. "Dự kiến, tỉnh sẽ cùng với huyện Duy Xuyên tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch khu vực lân cận Mỹ Sơn để giữ chân du khách, kích thích chi tiêu. Do đó, cần đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch tốt hơn, ưu tiên phát triển về phía Tây để giảm áp lực lên du lịch vùng phía Đông, nhất là đô thị cổ Hội An rất đông du khách" - ông Tân nói.
Đẩy mạnh các sản phẩm du lịch độc đáo
Ông Trần Văn Tân đánh giá vài năm trở lại đây, Mỹ Sơn đón trung bình hơn 1.000 khách/ngày tới tham quan là con số khá khiêm tốn, trong khi năng lực có thể tiếp nhận nhiều hơn. "Du lịch Mỹ Sơn còn rất nhiều dư địa, cần đẩy mạnh bằng những sản phẩm du lịch độc đáo gắn chặt với bản sắc văn hóa của địa phương, gắn chặt với khả năng và lợi thế của khu vực xung quanh này" - ông Tân nhìn nhận.
Bình luận (0)