Chiều 4-6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà là "tư lệnh" ngành thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đây cũng là lần đầu tiên ông ngồi "ghế nóng" trả lời chất vấn.
"Loạn" quy hoạch
Các đại biểu (ĐB) đã truy trách nhiệm của "tư lệnh" ngành xây dựng về công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị; quản lý thị trường bất động sản (BĐS), xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) và ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về quy hoạch tại đô thị, tình trạng nhà siêu mỏng và đề nghị có giải pháp cho vấn đề này.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận quy hoạch đô thị thời gian qua vốn là công cụ quản lý quan trọng nhất nhưng chất lượng quy hoạch còn thấp. Trong một số quy hoạch, dự báo chưa sát tốc độ tăng trưởng, tình hình tăng dân số dẫn tới tính toán sai về cấu trúc, không gian, chỉ tiêu về hạ tầng… Theo bộ trưởng, dù có cố gắng, cơ quan quản lý địa phương vẫn còn hạn chế trong kiểm soát trật tự xây dựng đô thị, để xảy ra tình trạng xây nhà cao tầng trong nội đô, khu đô thị không đi kèm quy hoạch hạ tầng, nhà siêu mỏng.
Đề cập nhiều dự án xây dựng bị điều chỉnh quy hoạch xây dựng nhiều lần, điều chỉnh một cách tùy tiện, ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) chất vấn: "Có hay không nhiều chủ đầu tư đang chỉ đạo quy hoạch?".
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết có thể có tình trạng này. "Không loại trừ quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh do sức ép nào đó. Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án có thể có tác động nhất định, ở những giai đoạn nhất định? Đây là hoạt động cần kiểm soát chặt chẽ và sẽ xử lý nghiêm túc nếu phát hiện hành vi này" - Bộ trưởng nói.
Vướng mắc giải quyết chung cư cũ
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu bất cập khi giá BĐS quá cao so với thu nhập bình quân người dân, ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận của người dân và ông đề nghị bộ trưởng nêu giải pháp.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu kiểm soát về thị trường BĐS, tình trạng thiếu nguồn lực, bộ máy tổ chức quản lý BĐS chưa được kiện toàn kịp thời. "Cần tăng nguồn cung về phân khúc BĐS sẽ có tác dụng làm giảm giá BĐS. Tiếp đó là phải ngăn chặn kịp thời tình trạng thổi giá, đẩy giá đầu cơ của một số đối tượng để trục lợi. Cái này sẽ có sự kiểm soát và ngăn chặn kịp thời hơn" - ông Phạm Hồng Hà nêu giải pháp
Liên quan đến việc cải tạo chung cư cũ, ĐB Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) nêu thực trạng nhà chung cư cũ xuống cấp còn rất lớn nhưng thiếu kinh phí để cải tạo. Giải pháp trong thời gian tới là gì? Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 2.500 chung cư cũ, trong đó Hà Nội chiếm 1.579. Giải pháp đề ra là phải sửa đổi, bổ sung quy định, trong đó phải có quy định linh hoạt hơn về việc cải tạo tăng chiều cao các khu nhà.
"Khó khăn nhất hiện tại là không bảo đảm được hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp khi cải tạo "vì doanh nghiệp không được nâng chiều cao, không có lợi nhuận trong các dự án nên không… thiết tha!" - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu thực trạng.
Sẽ chất vấn về taxi công nghệ
Bên hành lang Quốc hội, trả lời báo chí về nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vào hôm nay (5-6), ĐB Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết ông sẽ đặt những câu hỏi liên quan đến việc quản lý tài xế taxi công nghệ. "Đây là vấn đề cử tri, người dân đang đặt nhiều dấu hỏi. Đặc biệt, cơ quan quản lý đang gặp nhiều khó khăn từ thu thuế, ký hợp đồng lao động, quản lý hợp đồng lao động cho đến quản lý tài xế không tuân thủ theo các quy định mà cơ quan quản lý đang thực hiện" - ông Hải nói.
ĐB Đào Thanh Hải cho biết một số nước như Singapore cũng gắn "mào" cho Grab và cách làm này rất tốt để kiểm soát, đặc biệt đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM đang ùn tắc giao thông. Hiện Hà Nội có 31.000 ôtô Grab và 50.000 xe máy và TP HCM nhiều gấp 3 lần so với Hà Nội. Đây là những con số cho thấy lượng xe tham gia giao thông hằng ngày rất lớn, trong khi phân luồng giao thông gặp rất nhiều khó khăn. "Trước kia chưa có Grab, Hà Nội chỉ có 22.000 taxi, mỗi lần dự định tăng lên thì HĐND TP bàn rất kỹ, đánh giá, họp bàn, khảo sát thực trạng giao thông và nhu cầu của khách mới cho tăng để quản lý được. Còn với mô hình Grab, thật sự các cơ quan quản lý đang lúng túng, chưa có phương pháp quản lý hữu hiệu" - ông Hải nhấn mạnh.
B.Trân
Bình luận (0)