Video "giám sát" CSGT gây xôn xao dư luận
Theo clip, người ghi hình đã cố tình làm khó, bắt bẻ nhóm CSGT, chẳng hạn chất vấn: "Ai cho phép các anh lập chốt tại đây?", "Việc lập chốt là chiếm dụng lối đi, các anh có thấy sai không?" đồng thời yêu cầu CSGT cho xem kế hoạch tuần tra, chuyên đề...
Video dài hơn 49 phút, được phát trực tiếp trên Youtube vào rạng sáng 22-2, kèm chú thích "hốt cả ổ tiếp thị sữa"
Pháp luật hiện hành không cấm công dân thực hiện quyền giám sát đối với các lực lượng thi hành công vụ, trong đó có CSGT, nhưng phải tuân thủ các quy định pháp lý khác. Cụ thể, Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về hình thức giám sát của nhân dân, tại điều 11 cho phép người dân tham gia giám sát bằng 5 hình thức, trong đó có "thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ".
Đáng chú ý, quy định mới cho phép người dân giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng "không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ" và phải "ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông) và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan".
Như vậy, đối chiếu hành động của YouTuber kể trên với những quy định này, người ghi hình đã hiểu sai (hoặc cố ý hiểu sai) và làm sai, so với quyền hạn mình có. Đó là chưa nói đến việc tùy tiện đăng phát hình ảnh, việc làm của người khác lên không gian mạng. Và việc lan truyền những clip đó hoàn toàn có thể gây tổn thương tinh thần, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người bị ghi hình, bởi nội dung comment (bình luận) không được kiểm soát; hoặc phục vụ cho các bài viết tiếp theo với mục đích xấu. Trong những trường hợp này, người vi phạm có thể bị xử lý theo Luật An ninh mạng, bị các "nạn nhân" khởi kiện vì quyền dân sự bị xâm phạm...
Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp cá nhân chủ ý ghi hình, ghi âm CSGT, thanh tra giao thông hoặc cảnh sát khu vực... trong lúc họ thi hành công vụ để đăng phát lên mạng xã hội và dẫn dắt dư luận theo hướng xấu; thậm chí có không ít trường hợp dùng chính các video clip hay file ghi âm để tống tiền lực lượng công. Trong quá trình ghi âm, ghi hình, người cầm máy thường cố tình chọc giận, gài bẫy CSGT, Cảnh sát cơ động, thanh tra giao thông... và có trường hợp vì thiếu kiềm chế nên đã có lời nói hoặc hành động sai trái, sau đó phải chịu hậu quả.
Người dân nếu có cái tâm trong sáng, vì cái chung, vì mục đích góp phần xây dựng sự liêm chính cho hệ thống công quyền thì chẳng ai thực hiện "quyền giám sát" một cách thô thiển như thế! Khi có bằng chứng về dấu hiệu sai phạm của lực lượng công, hãy trình báo cho cơ quan chức năng để xử lý. Vậy mới là bình đẳng và thượng tôn pháp luật.
Năm ngoái, Công an tỉnh Yên Bái khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Đình Sang về tội "Chống người thi hành công vụ". Đối tượng này nhiều lần ghi hình CSGT khi đang làm nhiệm vụ, tạo tình huống để gài bẫy... sau đó phát lên trang cá nhân nhằm gây chú ý. Những trường hợp như Trần Đình Sang, khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ, cần phải bị nghiêm trị!
Bình luận (0)