Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan:
Tăng thu nhập cho nông dân
Có một từ để nói về năm 2021 là "biến". Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Người Việt Nam khi có "biến" cũng biến chuyển theo, cho thấy rất linh hoạt, năng động.
Tôi rất hạnh phúc là qua năm 2021, đội ngũ cán bộ của ngành nông nghiệp đã nhìn lại, có tư duy tiếp cận khác, cách đi khác chứ không loay hoay với cách đang vận hành. Đầu tiên là tiếp tục làm đậm nét hơn, rõ hơn và sâu sắc hơn về chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Khi chuyển như vậy thì một ngành hàng nào đó có thể bị giảm thứ hạng nhưng mang lại giá trị gia tăng cao hơn và mang lại thu nhập thực tế cho nông dân cao hơn.
Điều khiến tôi đang rất ưu tư đó là tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp không đồng nhất với thu nhập của nông dân. Lẽ ra hai mục tiêu này phải đi song song nhau nhưng một cái đi nhanh, cái còn lại thì chậm. Đây là vấn đề mà Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang được xây dựng sẽ phải giải quyết. Đó là làm sao để tốc độ tăng trưởng của ngành và thu nhập nông dân phải song hành nhau thì mới mang lại thành tựu kép.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn sắp tới không chỉ chú trọng về đầu tư hạ tầng như đường, cầu cống, hạ tầng thủy lợi… mà quan trọng là hạ tầng kinh tế nông thôn. Kích hoạt kinh tế nông thôn từ hợp tác xã, du lịch nông thôn, mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - đó là hướng để nâng cao năng lực cộng đồng.
Ngành hướng đến việc để các hộ nông dân có thể làm bớt phần nào trong chuỗi sản xuất thay cho doanh nghiệp để nông dân không chỉ có nguồn thu từ sản lượng tạo ra mà còn thêm giá trị gia tăng từ sản phẩm thô sang sản phẩm sơ chế, đóng gói. Đó là hướng đi của nông thôn mới.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên:
Phát triển công nghiệp nền tảng để tự chủ sản xuất
Điểm sáng của toàn ngành Công Thương và của nền kinh tế trong năm 2021 là kỷ lục xuất nhập khẩu ước tính đạt 668,5 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Trong đó, ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt 336,25 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2020. Xuất siêu ước tính khoảng 4 tỉ USD.
Thương mại điện tử trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ nhu cầu phát sinh của thị trường.
Để thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 theo hướng thực chất và hiệu quả hơn, trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng như tất cả các bộ - ngành, địa phương còn rất nhiều việc phải làm. Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ - ngành và các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ thông qua Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030.
Dự thảo đề án ngoài việc khắc phục những tồn tại hạn chế của giai đoạn trước còn bổ sung các nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới. Trong đó, trọng tâm ưu tiên là phát triển công nghiệp nền tảng để làm chủ khu vực sản xuất, đặc biệt là tư liệu cho các ngành công nghiệp xuất khẩu và nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đặc biệt, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng trong sản xuất, xuất khẩu và sức cạnh tranh. Cùng với đó, chú trọng nâng cấp và phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành dựa trên các lợi thế so sánh ở cấp độ quốc gia, vùng và địa phương để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường năng lực tự chủ của ngành.
Ảnh: HẢI BÁ
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:
Đột phá giải ngân vốn đầu tư công
Trong năm 2022, cần tạo đột phá về giải ngân vốn đầu tư công. Đó là tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án với việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về vấn đề này, đề xuất triển khai thí điểm đến năm 2025. Đây sẽ là điểm đột phá cho giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và các năm tiếp theo. Khi vốn đầu tư công được giải ngân tốt sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Đối với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn đánh giá tích cực về Việt Nam. Một điểm đặc biệt khác là những chuyến công du của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian qua đều gắn với xúc tiến đầu tư, để lại những hiệu ứng rất tốt. Điều đó giúp chúng ta tin tưởng rằng thu hút vốn FDI trong năm 2022 sẽ đạt kết quả khả quan.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, muốn thu hút vốn thì các nhà đầu tư nước ngoài phải đến được Việt Nam, nghĩa là con người phải đến được Việt Nam. Do đó, cần có chính sách hợp lý với các nhà đầu tư, chuyên gia khi nhập cảnh, cách ly. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rất nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hiện nay, các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đang hoạt động hiệu quả, bám sát tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện các nhiệm vụ về quy hoạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với một tinh thần đoàn kết, không nản chí trước khó khăn để đạt các mục tiêu đề ra.
ảnh: NGỌC TRINH
Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng:
Tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh
Năm 2022, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành ngân hàng cũng có nhiều cơ hội và thuận lợi từ những thành tựu đã đạt được. Ngành sẽ quán triệt chủ trương, định hướng, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nâng cao khả năng thích ứng với diễn biến kinh tế, tiền tệ trong nước và quốc tế.
Ngành ngân hàng cũng sẽ mở rộng tín dụng đi đôi với bảo đảm an toàn hiệu quả, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro; triển khai có hiệu quả tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, xử lý có hiệu quả ngân hàng yếu kém. Thúc đẩy chuyển đổi số ngày càng đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận các tiện ích thương mại cho doanh nghiệp và người dân góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số. Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả và hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế.
Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục rà soát cắt giảm chi phí hoạt động để dành nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Trước mắt, ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2022, tập trung đáp ứng tốt nhu cầu tiền mặt, thanh toán, tín dụng của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm mọi hoạt động ngân hàng diễn ra an toàn, thông suốt.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng:
Chú trọng thị trường nội địa, bên cạnh thị trường khách quốc tế
Đại dịch Covid-19 đã "phủ bóng đen" khiến du lịch Việt Nam rơi vào "khoảng lặng". Dù vậy, tôi vẫn tin du lịch Việt Nam sẽ có những vĩ thanh. Chỉ trong vòng hơn một tháng mở cửa đón khách tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Khánh Hòa, chúng ta đã đón 1.500 khách quốc tế, tháng 12 đã có 3.500 khách đến Việt Nam. Đây là tín hiệu vui, gửi đi thông điệp Việt Nam là điểm đến an toàn, hiếu khách và chào đón mọi du khách đến tham quan, du lịch.
Trong khó khăn, ngành du lịch đã phối hợp cùng các cấp, ban ngành nhanh chóng có các giải pháp thích ứng. Cánh cửa đón khách quốc tế bị đóng lại, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang phát triển du lịch nội địa, nỗ lực tạo ra các sản phẩm tour phù hợp, thích ứng linh hoạt giữa các "vùng xanh, vùng vàng", đưa du khách trở lại với tâm lý thoải mái nhất.
Tôi rất mừng vì Quốc hội, Chính phủ thời gian qua đã ban hành nhiều quyết sách, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đồng hành với doanh nghiệp và địa phương vượt khó vươn lên, phục hồi du lịch. Để du lịch phục hồi trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp, trong đó có các kế hoạch xây dựng việc đón khách quốc tế song song với việc tập trung phát triển du lịch nội địa, thị trường 100 triệu dân mà lâu nay chúng ta chưa thực sự chú ý tới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Chúng tôi đề nghị Chính phủ ưu tiên đưa du lịch vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023. Trong chức năng quản lý nhà nước, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và chính quyền các cấp sẽ nỗ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt, vai trò bà đỡ với những kế hoạch chi tiết, triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc.
Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tôi cam kết sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các cấp, từ đó đề xuất với các cấp có thẩm quyền những chính sách phù hợp.
Bình luận (0)