Trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật. Trong đó có 1.236 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày; còn lại 574 văn bản không phải là quy phạm pháp luật nhưng lại chứa quy phạm pháp luật.
Hàng ngàn văn bản trái pháp luật
Cuối năm 2017, Bộ Tư pháp đã "tuýt còi" Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi quy định ghi tên tất cả thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bộ này sau đó đã ban hành Thông tư số 53/2017 "ngưng hiệu lực thi hành" khoản 5 điều 6 Thông tư số 33 về việc ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ hộ gia đình.
Trong nhiều năm qua, Bộ Tư pháp liên tục kiểm tra và phát hiện hàng ngàn văn bản trái pháp luật, trong đó có những văn bản khi ban hành đã gặp phản ứng mạnh trong dư luận.
Mới đây, Thông tư 45/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về giấy tờ hành khách có thể xuất trình khi làm thủ tục đi máy bay nội địa lại "gây bão" khi không đưa vào những loại giấy tờ như: Thẻ đảng viên; thẻ nhà báo; giấy phép lái xe; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam.
Vào cuộc kiểm tra, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp nhận định việc loại bỏ một số giấy tờ nêu trên nhưng lại chấp nhận những giấy tờ khác là chưa thống nhất về tiêu chí xác định các loại giấy tờ được chấp nhận, dẫn đến không công bằng và chưa hợp lý. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã "phân trần" là do sai sót trong quá trình soạn thảo, ký ban hành thông tư.
Trước đó không lâu, Bộ GTVT cũng ban hành Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT về việc buộc người dân chuyển đổi giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng từ giấy bìa sang vật liệu PET. Bộ Tư pháp vào cuộc kiểm tra và đánh giá quy định này tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp. Quy định này ngay lập tức đã tác động đến đời sống xã hội khi tại nhiều địa phương, người dân đổ xô đi đổi giấy phép lái xe sang vật liệu PET dù giấy phép cũ vẫn còn hiệu lực. Các TP lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… đã xảy ra tình trạng quá tải ở các điểm cấp đổi giấy phép lái xe. Nhiều người dân phàn nàn quy định này của Bộ GTVT gây phiền hà, tốn kém chi phí, không phù hợp với thực tiễn.
Là đơn vị thường xuyên kiểm tra và "tuýt còi" những văn bản trái pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá văn bản trái luật thường có tác động tiêu cực đa chiều, vừa làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Một số văn bản quy định về thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền làm phát sinh chi phí về hồ sơ, thời gian thực hiện cũng như nhiều thủ tục phiền hà.
Thông tư 58 của Bộ Giao thông Vận tải về đổi giấy phép lái xe còn thời hạn từ giấy bìa sang vật liệu PET gây phiền toái cho người dân. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tốn kém chi phí
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc ban hành văn bản trái pháp luật sẽ phát sinh chi phí khá lớn phục vụ quá trình xử lý văn bản trái pháp luật, trong đó có chi phí ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần nội dung văn bản đó.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật qua quá trình rà soát cũng phát hiện một số văn bản có nội dung trái pháp luật đưa vào thực thi đã gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp; phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Như mới đây, nhiều chủ ôtô bức xúc khi không thể đăng kiểm phương tiện do chưa nộp "phạt nguội" theo Thông tư 70.
Anh Nguyễn Văn Tiến (ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho rằng: "Phạt nguội và đăng kiểm là 2 vấn đề khác nhau. Sự thiếu rõ ràng, minh bạch của quy định này gây ra vướng mắc trong việc hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật đối với cả cơ quan nhà nước cũng như người dân". Sau đó, Bộ Tư pháp cũng đã có thông báo gửi Bộ GTVT kiến nghị xử lý đối với Thông tư 70.
Hệ lụy có nhưng chưa quy trách nhiệm
Theo Bộ Tư pháp, thực tế cho thấy việc ban hành và đưa vào áp dụng các văn bản trái pháp luật đã để lại hậu quả, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thậm chí làm ảnh hưởng đến tính "tối thượng" của pháp luật trong nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy trách nhiệm bồi thường trong ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây ra, vì thế càng làm gia tăng bức xúc trong xã hội. Cơ quan này lấy dẫn chứng về quy định không cho phép học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại vũ trường, quán karaoke là những quy định chưa sát thực tế, mang tính cấm đoán.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó hoàn thiện cơ chế xử lý văn bản trái pháp luật nhanh chóng, triệt để. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật.
"Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương tham mưu quy định cụ thể việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã tham mưu, ban hành văn bản trái pháp luật. Xử lý trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy hạm pháp luật" - đại diện Bộ Tư pháp cho hay.
Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp:
Lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp chưa thực chất
Nhiều cơ quan nhận thức chưa đầy đủ về công tác xây dựng, kiểm tra văn bản. Trong đó, quy trình ban hành một số văn bản, đặc biệt là đánh giá tác động, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp còn chưa thực chất. Thực tế này dẫn đến việc xử lý một số văn bản trái pháp luật cũng như trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản còn vướng mắc. Với vai trò của cơ quan kiểm tra, chúng tôi đánh giá tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật vẫn còn nhiều, có chiều hướng gia tăng.
Thời gian tới, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật sẽ tập trung nhiều vào việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các văn bản trái pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; lợi ích của nhà nước, xã hội. Qua đó kiến nghị xem xét trách nhiệm cơ quan, cá nhân ban hành văn bản trái pháp luật.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Ban hành văn bản vì lợi ích cục bộ
Các bộ, địa phương khi soạn thảo, ban hành văn bản đều cố gắng để an toàn nhất cho mình, ít khi quan tâm đến lợi ích của các bộ, các ngành hay những nhóm đối tượng khác. Chính điều này đã khiến xung đột lợi ích từ các văn bản quy phạm pháp luật, gây chồng chéo. Ngoài ra, các bộ phận giúp việc cho bộ, UBND các cấp ban hành văn bản còn xa rời thực tế, năng lực chưa đáp ứng được.
Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa phục vụ lợi ích của nhân dân mà đang hướng đến cơ quan quản lý, phục vụ lợi ích cục bộ.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội
của Quốc hội:
Phải có chế tài
Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nhưng lại ban hành văn bản sai sẽ dẫn đến méo mó chính sách pháp luật.
Những con số kèm theo hệ lụy đã thấy rõ nhưng từ trước đến nay, chúng ta chưa quy trách nhiệm người đứng đầu khi ban hành văn bản trái pháp luật. Hành vi này cũng chưa được quy định trong luật dẫn đến việc xem xét trách nhiệm, bồi thường đang bị bỏ quên. Hiện chỉ mới xử lý theo cách ban hành văn bản sai thì tạm dừng hoặc thu hồi. Chúng ta cần phải quy trách nhiệm rõ ràng, gây thiệt hại thì phải đền bù, cần có chế tài cụ thể về việc này.
Bình luận (0)