Chiều 27-11, tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, báo chí đã đặt vấn đề có hay không việc đại biểu Quốc hội được "lobby" (vận động hành lang), phát biểu theo "đơn đặt hàng" để phục vụ nhóm lợi ích nào đó. Vấn đề này được các cơ quan báo chí nhấn mạnh khi một số đại biểu cùng phát biểu về một vấn đề hoặc một dự án nào với tần suất nhiều lần trong các phiên thảo luận.
Trả lời về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng để xác định đại biểu được lobby, hay phát biểu theo "đơn đặt hàng" là rất khó. Theo ông Phúc, nếu có phần mềm nào đó phân tích được việc này thì rất tốt.
Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng rất khó để xác định việc đại biểu Quốc hội được lobby, phát biểu theo "đơn đặt hàng"- Ảnh: Quochoi.vn
Ông Nguyễn Hạnh Phúc lý giải thêm đại biểu có thể thuê chuyên gia nghiên cứu các bài phát biểu, các vấn đề và họ được cấp kinh phí cho việc này. Nhấn mạnh vào việc phát biểu trùng lặp ở hội trường của các đại biểu, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng có thể các đại biểu cùng nghiên cứu một vấn đề. "Cùng một vấn đề nhưng với gần 500 đại biểu thì không thể không trùng" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Từ thực tế thảo luận tại hội trường, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết có đại biểu phát hiện nội dung mình chuẩn bị đã được đại biểu khác phát biểu rồi thì xin rút, nhưng cũng có người vì đã đăng ký và cử tri theo dõi nên họ vẫn phát biểu bình thường.
"Theo tôi, cái đó không đặt vấn đề nặng nề quá, tôi khuyến khích đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu càng nhiều càng tốt, trùng nhau cũng không sao"- Tổng Thư ký Quốc hội nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc cử tri phản ánh có đại biểu tập trung quá nhiều vào một dự án hay chính sách, có thể có lợi cho bộ, ngành hay địa phương nào đó, việc này sẽ tác động xấu đến quyết định của Quốc hội, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng trong quá trình đi làm việc với các bộ, ngành, có thể các đại biểu cùng được đơn vị đó phát tài liệu tham khảo và điều này khó tránh.
"Nhưng không thể nói vì thế mà đại biểu có thể xoay chuyển, làm lệch lạc chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Bởi, chúng ta có 2 kỳ họp, cơ quan soạn thảo trình ra, Quốc hội xem xét thấu đáo và xin ý kiến các đại biểu bằng văn bản" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Bình luận (0)