Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) từ năm 2014-2016, tình trạng rừng tự nhiên do các công ty lâm nghiệp trong tỉnh Đắk Lắk quản lý bị mất vẫn tiếp tục gia tăng nghiêm trọng. Hết năm 2016, diện tích rừng tự nhiên do các công ty lâm nghiệp quản lý bị mất có thể lên đến 64.237 ha.
Bên cạnh đó, diện tích rừng chưa bị mất cũng suy giảm chất lượng nghiêm trọng. Từ năm 2012-2017, hơn 11.000 ha rừng trung bình tại Công ty Lâm nghiệp Ea H’mơ và Công ty Lâm nghiệp Ya Lốp đã chuyển thành rừng nghèo và nghèo kiệt, trữ lượng gỗ mất tới hơn 1,9 triệu m3. Theo KTNN, nếu tính theo đơn giá trồng rừng mới do tỉnh Đắk Lắk quy định là 84,6 triệu đồng/ha thì giá trị tối thiểu của diện tích rừng đã mất là 6.434 tỉ đồng. Riêng việc giảm trữ lượng gỗ tại 2 công ty lâm nghiệp nói trên tương đương 3.827 tỉ đồng. Như vậy, thiệt hại về rừng ở Đắk Lắk lên đến hơn 10.000 tỉ đồng.
Hiện trường một vụ phá rừng ở Đắk Lắk đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm
Theo KTNN, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao đất lâm nghiệp gắn giao rừng, cho thuê rừng đối với doanh nghiệp nhưng không chỉ đạo kiểm kê, phân loại, đánh giá trữ lượng của từng loại rừng để gắn trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng; suốt 10 năm qua không đánh giá được việc suy giảm trữ lượng rừng để làm cơ sở xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; các công ty lâm nghiệp trốn tránh trách nhiệm trong bảo vệ và phát triển rừng khiến tình trạng chặt phá rừng càng kéo dài, liên tục nhiều năm.
KTNN đề nghị tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo công an tỉnh điều tra, xử lý hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước đối với người đứng đầu và các cá nhân liên quan việc để mất rừng.
Một lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc mất rừng có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc lực lượng kiểm lâm quá mỏng, các công ty lâm nghiệp không quản lý được dẫn đến người dân lấn chiếm, lấy đất sản xuất. Tỉnh đang rà soát tất cả công ty lâm nghiệp và đã thu hồi rừng từ một số công ty nhưng thu hồi xong mà giao cho xã, xã không có người, không có kinh phí để giữ thì rừng và đất rừng tiếp tục bị dân lấn chiếm.
Cần tăng tiền giữ rừng
Tại một hội nghị gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho rằng định mức hỗ trợ giao khoán rừng, đất rừng và quản lý bảo vệ rừng tự nhiên là rất thấp, với 300.000 đồng/ha/năm đối với giao khoán cho dân và 150.000 đồng đối với công ty, nông lâm trường, chỉ bằng 1/3 nhu cầu thực tế. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả việc quản lý bảo vệ rừng. Do đó, đề nghị Chính phủ nâng mức tiền tối thiểu gấp đôi hiện nay, đồng thời quy định rõ hợp đồng đặt hàng bảo vệ rừng tự nhiên để xác định trách nhiệm của các bên khi mất rừng.
Bình luận (0)