Đau xót khi chứng kiến những cây gỗ quý bị đốn hạ, đầu tháng 12-2018, anh H. (một người dân ngụ xã Sơ Pai, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) tình nguyện đưa chúng tôi vào những cánh rừng thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai (Công ty Sơ Pai).
Đốn gỗ ngay cạnh trạm bảo vệ rừng
Hai bên đường Trường Sơn Đông, đoạn qua huyện Kbang, phong cảnh đẹp như tranh vẽ bởi được tô điểm bằng những cánh rừng xanh ngắt mọc sát lề đường. Tuy nhiên, chỉ cần rẽ vào những con đường xương cá đâm sâu vô rừng, khung cảnh tan hoang sẽ hiện ra ngay trước mặt.
Tại khu giữa Km269 và km 270, gần Trạm Quản lý bảo vệ rừng Buôn Lưới (Công ty Sơ Pai), chúng tôi rẽ theo đường mòn để đi sâu vào rừng. Vào chưa đầy
500 m, tiếng cưa máy rền vang cả góc rừng đập vào tai chúng tôi. Chúng tôi đề nghị anh H. đưa tới vị trí mà lâm tặc đang cắt gỗ. Nghe vậy, anh H. gạt phắt, bày tỏ lo ngại có thể sẽ bị trả thù.
Tại Km280, ngã 3 giữa đường Trường Sơn Đông và đường đi xã Đắk Smar, có trạm bảo vệ rừng của Công ty Sơ Pai. Cách trạm này khoảng 400 m, chúng tôi phát hiện một điểm khai thác gỗ còn rất mới. Tại hiện trường còn một số hộp gỗ đường kính 60 cm x 20 cm, dài 2 m, chưa kịp vận chuyển đi. Gần đó là một gốc cây còn tươi đã được lâm tặc gom các tấm bìa, đổ dầu để đốt phi tang. Nhiều gốc cây đường kính chừng 60 cm đến 80 cm đã bị cắt hạ, chỉ còn trơ phần bìa không giá trị. Xung quanh vị trí này, dấu vết của xe tải chở gỗ cỡ lớn vẫn còn hằn rõ.
Một cây gỗ bị đốn tại rừng Sơ Pai
Trước đó, tại Km275, theo đường mòn dẫn vào rừng chỉ chừng 50 m, chúng tôi phát hiện 2 cây gỗ lớn với đường kính khoảng hơn 1 m bị đốn và đã lấy đi phần thân có giá trị. Cây còn lại mới bị cưa ngã, phần thân vẫn đang rỉ nhựa, lá còn xanh.
Ở rất nhiều đường mòn khác, chúng tôi cũng ghi nhận các cây gỗ đã bị đốn, chỉ còn trơ lại gốc, cành. Đáng chú ý, trong số cây bị đốn, có rất nhiều gỗ xay (nhóm II) là loài có quả cho giá trị kinh tế cao, mỗi năm người dân địa phương đều hái về bán.
Theo Công ty Sơ Pai, từ đầu năm tới nay, đơn vị chỉ phát hiện 5 vụ khai thác gỗ trái phép với hơn 47 m3; 6 vụ vận chuyển gỗ trái phép với khối lượng gần 10 m3; 6 vụ cất giữ gỗ trái phép với khối lượng gần 31 m3.
Buông lỏng quản lý?
Thực tế cho thấy rừng Sơ Pai đang bị tàn phá từng ngày. Người dân địa phương muốn giữ rừng phải nhờ báo chí phản ánh chứ không báo chính quyền địa phương. Trong khi đó, lực lượng chức năng tìm đủ mọi lý do để biện minh cho việc lâm tặc phá rừng.
Ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Công ty Sơ Pai, cho biết đơn vị đang quản lý 7.600 ha rừng tự nhiên. Ông Hợi thừa nhận có tình trạng lâm tặc phá rừng do đơn vị mình quản lý nhưng đổ thừa cho lực lượng mỏng, cụ thể là 9 chốt quản lý bảo vệ rừng nhưng chỉ có 15 nhân viên. Chính vì vậy, tại các chốt không thể có người trực 24/24 giờ mà phải đi tuần tra trong rừng.
"Chúng tôi không hề tiếp tay cho lâm tặc nhưng đúng là không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ giữ rừng một cách triệt để" - ông Hợi phân trần và cho rằng các nhân viên của ông chỉ được hưởng chế độ thấp trong khi công việc rất áp lực. Đã có nhiều người bị kỷ luật, bị lâm tặc tấn công.
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cũng thừa nhận có tình trạng lâm tặc đưa phương tiện độ chế, cưa xăng vào rừng để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Một phần nguyên nhân là do diện tích rừng rộng, địa bàn hiểm trở, nhiều tuyến đường giao thông và nhiều ngõ ngách, trong khi lực lượng mỏng, phương tiện còn hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu nữa là do phần lớn diện tích rừng đã được giao cho các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý. Tuy nhiên, người đứng đầu các đơn vị này có biểu hiện thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý; cán bộ các đơn vị được phân công quản lý rừng thì thiếu tinh thần trách nhiệm, có trường hợp còn tiếp tay, thông đồng với lâm tặc. Ngoài ra, năng lực của lực lượng kiểm lâm địa bàn còn hạn chế, chưa bám sát địa bàn…
Truy tố 3 nhân viên bảo vệ rừng
Mới đây, Công an huyện Kbang đã có kết luận điều tra và chuyển hồ sơ đến VKSND cùng cấp vụ án 3 nhân viên bảo vệ rừng của Công ty Sơ Pai là Nguyễn Hiếu Dũng (SN 1986), Đinh Huỳnh Vương Lạc (SN 1976; đều ngụ xã Sơ Pai) và Lê Tiến Hưng (SN 1988, ngụ thị trấn Kbang) về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, những người này được giao quản lý bảo vệ rừng tại lâm phần do đơn vị quản lý. Từ ngày 2-5 đến 13-9-2017, những người này đã để lâm tặc vào rừng khai thác trái phép 33 cây gỗ tại lô 5, khoảnh 1, tiểu khu 60 với tổng khối lượng hơn 47 m3. Trong số này, các nhân viên chỉ phát hiện được 7 cây bị chặt phá mà không báo cáo lãnh đạo công ty. Sau đó, đoàn liên ngành của huyện đi kiểm tra khu vực trên thì phát hiện số cây gỗ bị chặt hạ.
Bình luận (0)