Đó là việc làm không thể khác dù trước đó không lâu, ngành giao thông và một số người liên quan còn viện dẫn đủ mọi cách để bảo vệ cho kỳ được cái tên gọi "trạm thu giá", bất chấp sự phản đối dữ dội của dư luận và cả giới chuyên môn. Thậm chí, cho tới khi bước vào kỳ họp Quốc hội cách đây chỉ khoảng chục ngày, giới chức ngành giao thông và liên quan còn "đăng đàn" dẫn ra hết luật tới nghị định rồi thông tư để khăng khăng cho rằng cần phải gọi là "trạm thu giá" BOT.
Cái tên "trạm thu giá" BOT không chỉ mơ hồ, khó hiểu, đi ngược lại sự trong sáng của tiếng Việt… mà còn được những người am hiểu nói thẳng là một sự đánh tráo khái niệm. "Trạm thu giá" hay "trạm thu phí" BOT chỉ ngã ngũ khi Chủ tịch Quốc hội, trên cương vị người chủ trì phiên chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tại Quốc hội, "chốt" ngắn ngọn song rất rõ ràng: "Cứ quay trở về tên gọi cũ là "trạm thu phí" vì tên này đã đúng bản chất".
Chuyện tên gọi của việc thu tiền khi đi vào những con đường BOT tưởng bình thường nhưng bất ngờ lại trở thành một vấn đề nóng trong nhân dân. Nó nóng chẳng kém gì việc các trạm thu phí BOT đặt sai vị trí hay BOT trên các tuyến độc đạo, huyết mạch. Nóng bởi việc ngành giao thông đồng loạt đổi từ cái tên quen thuộc, ai ai cũng hiểu và đúng bản chất là "trạm thu phí" thành "trạm thu giá".
Bởi thế, việc "trạm thu giá" trở lại cái tên quen thuộc "trạm thu phí" không thể chỉ nói đổi trở lại là xong, là hết chuyện. Cần phải chỉ rõ ai phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này. Vấn đề nóng không đáng có này đã gây ra những tổn hại không nhỏ cả về uy tín, niềm tin và giá trị vật chất. Thiệt hại vật chất không nhỏ khi hàng loạt tấm biển phải thay hay sơn vẽ lại. Tuy nhiên, tổn hại về hình ảnh và uy tín ngành giao thông, dù khó định lượng chính xác nhưng rõ ràng lâu dài và giá trị hơn nhiều so với giá trị vật chất.
Chuyện đổi tên trạm thu phí giao thông làm liên tưởng tới nhiều chính sách, quy định, sự việc từng được cho là "trời ơi đất hỡi", thể hiện "tư duy phòng máy lạnh" của giới chức và cơ quan quản lý. Có những sự việc chỉ gây bức xúc, bất bình trong nhân dân, song có những việc gây ra thiệt hại "cân đo đong đếm" được như việc đổi tên "trạm thu phí".
Vậy tại sao những chính sách, quy định kiểu ra đời từ "phòng máy lạnh" vẫn cứ nối tiếp nhau xuất hiện? Có rất nhiều nguyên nhân, từ trình độ, năng lực, trách nhiệm cho tới thói cửa quyền hay quan liêu… Trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng là hầu như chẳng có chế tài nào với những giới chức và cơ quan đã đưa ra những chính sách, quy định phi thực tiễn.
Thế nên, chừng nào còn chưa có những tấm "thẻ vàng", "thẻ đỏ" được rút ra ngay lập tức với họ thì điều này còn xảy ra dài dài, người dân và xã hội hãy ráng chịu đựng!
Bình luận (0)