Ngày 9-8, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021. Theo đề án, cả nước hiện có 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện và 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số cần phải sắp xếp.
"Đau đầu" với cán bộ dôi dư
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, cho biết lo ngại lớn nhất là công tác sắp xếp cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập. Hiện Hà Tĩnh có 63 xã nằm trong diện phải sáp nhập do không bảo đảm trên 50% cả 2 tiêu chí về diện tích và dân số, trong số đó có khu vực 3 xã sáp nhập làm 1, điều này làm "đau đầu" về việc sắp xếp cán bộ dôi dư.
"Đề án nêu có thể dư nhưng thực ra là dư rất nhiều, khi 3 xã nhập 1 thì dư ra 2/3 cán bộ. 3 bí thư chỉ còn 1 bí thư, 3 chủ tịch giờ còn 1 chủ tịch thì xử lý thế nào? Vấn đề này cần phải bàn kỹ nếu không sẽ khó thực hiện" - Bí thư Hà Tĩnh băn khoăn. Về cấp huyện, Hà Tĩnh chỉ có thị xã Hồng Lĩnh không bảo đảm cả 2 tiêu chí. Ông Sơn kiến nghị từ nay đến năm 2021 chưa tiến hành sáp nhập cấp huyện, chỉ tập trung cấp xã.
Xã Vạn Yên (huyện Mê Linh, Hà Nội) không đạt tiêu chí về dân số và diện tích Ảnh: HUY THANH
Ủng hộ việc sáp nhập nhưng ông Trần Văn Tư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai, lưu ý đề án cần phải nêu rõ chính sách nhất quán đối với cán bộ dôi dư, tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện một kiểu, thiếu sự thống nhất. Góp ý về công tác cán bộ sau sáp nhập, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng cần có nghị định riêng của Chính phủ về chế độ chính sách để áp dụng.
Trước những lo ngại của các địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh cần nghiên cứu sắp xếp cán bộ cũng như có chính sách phù hợp. "Có chế độ chính sách chứ không phải "vắt chanh bỏ vỏ" hay trả công trọn gói bằng một khoản tiền là xong. Với số nhân sự này có thể tiếp tục vận động tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở" - Phó Thủ tướng nói.
Tránh tác động đến người dân
Ngoài công tác cán bộ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Văn Tư cũng lo lắng việc sáp nhập sẽ gây xáo trộn, có những tác động nhất định đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương. "Tại các vùng trọng điểm sẽ bị tác động lớn, đối với doanh nghiệp là làm ăn buôn bán, còn đối với người dân là thay đổi địa chỉ, làm lại thủ tục giấy tờ. Chúng tôi ủng hộ việc sáp nhập nhưng phải tính toán để bớt đi tác động bất lợi, tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp" - ông Tư nhấn mạnh.
Đặt vấn đề về việc nhiều đơn vị hành chính tại TP HCM không đạt tiêu chí về diện tích, trong khi dân số lại đông, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, băn khoăn sau khi sáp nhập với dân số đông thì việc quản lý có hiệu quả hay không? Không riêng TP HCM mà các TP trực thuộc trung ương đều khó đạt tiêu chí về diện tích. Đơn vị hành chính phải có sự ổn định lâu dài, do đó cần nghiên cứu thêm các tiêu chí để sáp nhập, tránh cứng nhắc theo 2 tiêu chí diện tích và dân số.
Về các tiêu chí diện tích và dân số, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết đây là điều kiện ban đầu để đưa ra xem xét. Đơn vị hành chính hình thành từ nhiều yếu tố nên cần xem xét kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng phát triển kinh tế, trật tự an ninh và khối đại đoàn kết. Việc sáp nhập tùy theo điều kiện và đặc thù riêng của địa phương chứ không phải cơ học, máy móc.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu quá trình xây dựng đề án cần lưu ý Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rõ việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến nhân dân và khi có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn đồng ý thì mới trình cấp có thẩm quyền xem xét. Việc lấy ý kiến cần phải thận trọng, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Đã xuất hiện "chạy ghế"
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho biết tại địa phương đã có những vấn đề "nọ kia" khi có thông tin về đề án sáp nhập. Theo ông Vinh: "Vấn đề sắp xếp bộ máy, ở dưới đã có hiện tượng "chạy" rồi, làm hết chuyện nọ chuyện kia. Hiện tỉnh Nghệ An đã xong đề án của địa phương, chỉ chờ Bộ Nội vụ ban hành đề án là có thể thực hiện ngay".
Bình luận (0)