Theo báo cáo, TP hiện có hàng ngàn công trình di tích, di sản có giá trị cao về lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít công trình bị xâm hại hoặc cố tình phá hoại để nhường chỗ cho các tòa nhà, chung cư cao tầng. Đơn cử, thống kê cho thấy TP có hơn 1.300 căn biệt thự cổ nhưng chỉ trong thập kỷ vừa qua đã có gần một nửa bị xóa bỏ. Trong khi đó, xu hướng tìm về các công trình cổ xưa đang được nhiều du khách quan tâm. Bằng chứng là cứ 2 du khách nước ngoài đến Việt Nam thì có 1 du khách đặt chân đến TP HCM và tìm về các di tích lịch sử, công trình cổ để tham quan. Do đó, vấn đề bảo tồn các di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị là việc làm cần thiết và cấp bách.
Vấn đề bảo tồn các di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị là việc làm cần thiết và cấp bách ở TP HCM. Trong ảnh: Căn biệt thự cổ trên đường Hàn Thuyên, quận 1
Từ thực tế trên, Viện Nghiên cứu Phát triển TP cho hay đơn vị này đang hoàn thiện và đề xuất Công cụ quản lý được gọi là "Chuyển quyền phát triển bất động sản" (Transfer of Development Right - TDR) với mục đích hài hòa lợi ích cho chủ nhà, giảm chi ngân sách trong công tác bảo tồn.
Cũng liên quan đến việc bảo tồn các di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị, hiện Hội đồng Phân loại biệt thự TP HCM một lần nữa tiến hành kiểm kê, đánh giá lại toàn bộ các biệt thự xây dựng trước 1975 để phân loại, báo cáo cho UBND TP HCM trước ngày 31-8. Từ việc phân loại sẽ có những giải pháp cụ thể để bảo tồn các căn biệt thự cổ.
Bình luận (0)