Dự kiến trong tháng 10-2017, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ hoàn thành việc rà soát 54 dự án BOT để xem xét giảm phí cho người dân trong vùng ảnh hưởng cũng như giảm giá chung cho các phương tiện.
Giảm giá từ 5%-25%
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ GTVT, cho biết đến nay đã rà soát được 10 trạm. Sau khi đàm phán và thống nhất với nhà đầu tư sẽ giảm giá ngay. Nếu được Bộ GTVT thông qua, các trạm BOT sẽ giảm phí từ tháng 11-2017.
Trạm thu phí số 1 trên Quốc lộ 5 không giảm giá chung cho các phương tiện
Ông Huyện cho rằng phần lớn các dự án trong số 54 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý sẽ được giảm giá, trừ một số ít trạm có lưu lượng phương tiện quá thấp. Mức giảm cụ thể của từng trạm sẽ khác nhau, dao động từ 5%-25%. Thời gian thu phí sẽ giới hạn tối đa không quá 30 năm.
Đề cập về vấn đề mức giảm theo dự kiến không nhiều, điều này có thể chưa làm hài lòng các chủ phương tiện, ông Huyện cho biết nếu tính đơn lẻ 5.000- 10.000 đồng thì có thể nghĩ rằng giảm ít, nhưng khi tính toán với tổng lưu lượng phương tiện lưu thông qua trạm thì đó là khoản phí rất lớn. "Lưu lượng phương tiện ngày càng tăng và nếu tăng trên 10% thì theo hợp đồng BOT nhà đầu tư phải điều chỉnh giảm giá" - ông Huyện nói.
Miễn phí cho dân sống gần trạm
Đối với những kiến nghị của người dân sống gần trạm thu phí, ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng phương tiện của họ sẽ được miễn vé qua trạm. Có vé tính theo tháng, theo quý để người dân có thể đi qua trạm nhiều lần nhưng chỉ phải mua vé 1 lần/ngày.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP BOT Đại Dương - chủ đầu tư dự án BOT Quốc lộ (QL) 18 - cho biết đơn vị cũng đã đề xuất miễn giảm phí cho các hộ dân sống quanh trạm. Tuy nhiên, không giảm mức phí chung cho các nhóm phương tiện do mức phí của trạm này hiện thuộc nhóm thấp nhất cả nước, chỉ 30.000 đồng/lượt đối với xe cơ sở.
Trong khi đó, ở dự án BOT trên QL5, đại diện Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho rằng việc điều chỉnh giá (nếu có) thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ. Trước đó, phương án giảm giá vé cho các hộ dân sống quanh trạm thu phí trên QL5 đã được Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) tính đến để đề xuất Bộ GTVT và Chính phủ. Tuy nhiên, việc giảm giá chung cho các nhóm phương tiện vẫn chưa được bàn đến. Đại diện Vidifi nói rằng thực tế DN chỉ thu phí thay cho Chính phủ. Nếu Vidifi không thu thì nhà nước sẽ thu và hỗ trợ lại cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phân tích mỗi dự án là một nhà đầu tư nên không thể thực hiện giảm phí đồng loạt. Việc rà soát các trạm thu phí sẽ đánh giá cụ thể từng dự án, phương án tài chính và hoạt động thu phí thực tế/lưu lượng xe, xem đó là căn cứ để đàm phán với các nhà đầu tư và thống nhất mức phí có thể giảm hài hòa nhất.
"Hiện nay ở phía Bắc, Bộ GTVT đã chấp thuận đề xuất giảm giá vé qua trạm BOT trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ từ ngày 15-10, với mức giảm là 25%. Tại khu vực miền Trung, tỉnh Khánh Hòa cũng đã đề nghị giảm giá vé qua trạm BOT trên QL1, Bộ GTVT đang xem xét" - ông Đông nói.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã rà soát mức phí cụ thể cho lộ trình từ Bắc vào Nam. Theo đó, ô tô đi từ Lạng Sơn đến Bạc Liêu qua 29 trạm thu phí trên QL1 cũ phải nộp mức phí tối đa là 4,54 triệu đồng/xe. Trong khi đó, lộ trình qua cao tốc có mức phí là 4,805 triệu đồng/xe.
88 trạm BOT từ Bắc vào Nam
Hiện cả nước có 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm (55 trạm đang thu, 18 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư); UBND các tỉnh quản lý 15 trạm.
Trong tổng số 88 trạm thu phí trên, có 10 trạm (chiếm 11%) có khoảng cách 60-70 km do địa hình vị trí đặt trạm bảo đảm 70 km không thuận lợi. Có 20 trạm (chiếm 23%) có khoảng cách dưới 60 km, 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT chủ yếu được đầu tư trước năm 2011, phí thu từ các trạm này được nộp vào ngân sách.
Bình luận (0)