Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
Sáng nay 15-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ QH tiến hành khai mạc phiên họp thứ 28.
Bàn về công tác nhân sự
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ QH tiến hành cho ý kiến các báo cáo đánh giá: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020; giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, cho ý kiến các báo cáo về: Điều chỉnh kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giữa các bộ, địa phương năm 2018; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2017; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2019-2021; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Cũng trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ cho ý kiến vào các báo cáo về: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của QH; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 của QH; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn, thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến QH năm 2018.
Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về việc trình QH phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và việc ban hành nghị quyết của QH về việc tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH tiến hành cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của QH; cho ý kiến về công tác nhân sự.
Bức xúc vì sách giáo khoa xuất bản độc quyền, lãng phí
Trong phiên họp buổi sáng 15-10, trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khái quát nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà chuyển biến tích cực. Năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu QH giao.
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là việc chỉ đạo quyết liệt trong tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra.
Tuy nhiên, để thấy rõ hơn những kết quả đạt được và tiếp tục duy trì những thành tựu nêu trên, bảo đảm tính bền vững trong phát triển kinh tế, Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị đánh giá kỹ hơn một số vấn đề: Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự báo đạt ở mức cao, vì vậy cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.
Lạm phát đang được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn do một số yếu tố như thiên tai, bão lũ và những bất ổn về kinh tế của khu vực và thế giới, dư địa điều hành giá cả không còn nhiều.
Đáng chú ý, báo cáo thẩm tra cũng đánh giá giáo dục đạt được những thành tích đáng kể trong dạy và học nhưng còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới không bảo đảm lộ trình đề ra; tự chủ đại học còn hạn chế; tính ổn định, thống nhất và đồng bộ trong giáo dục chưa cao.
"Công tác tổ chức thi THPT quốc gia còn bất cập, xảy ra những vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại một số tỉnh; việc SGK xuất bản độc quyền, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội"- báo cáo đánh giá.
Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tuy được nâng lên nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng. Việc xây dựng các bệnh viện mới nhằm giảm tải bệnh viện tuyến trên đã được bố trí vốn nhưng chưa giải ngân được gây lãng phí đầu tư công.
"Việc chậm xử lý sai phạm trong sản xuất hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, thực phẩm chức năng gây tâm lý lo ngại, bất bình trong dư luận. Một số bệnh truyền nhiễm vẫn còn ở mức cao, một số bệnh dịch có vắc-xin phòng bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại"- ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh
Về giải pháp cho năm 2019, Ủy ban Kinh tế của QH cơ bản tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như trong báo cáo của Chính phủ và đề nghị rà soát, hoàn thiện và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn luật, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và tính đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi có hiệu quả.
Trong thiết kế chính sách, cần quan tâm đánh giá tác động, ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, bảo đảm nguồn lực thực hiện. Hoàn thiện thể chế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực thi và tận dụng những cơ hội CPTPP, triển khai thực hiện hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO một cách có hiệu quả.
Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, lựa chọn thời điểm tăng giá và mức độ tăng giá phù hợp đối với các mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý.
Tập trung cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng tăng tỉ trọng thu nội địa, chi đầu tư và giảm tỉ trọng chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ thu, chi NSNN, giảm bội chi NSNN. Kiên quyết không để thất thu từ khu vực ngoài quốc doanh, trong khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Cơ cấu lại và xử lý các TCTD yếu kém đúng theo tiến độ. Công khai, minh bạch trong quá trình thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Phát huy vai trò và tính hiệu quả của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức để giảm thiểu chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực thi công vụ, trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đồng bộ với đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các thủ tục hành chính một cách thực chất, minh bạch thủ tục hành chính và xử lý các sai phạm.
Nâng cao chất lượng các kỳ thi, đặc biệt khâu giám sát và thanh tra, xử lý vi phạm để các kỳ thi thực hiện nghiêm túc, an toàn, chất lượng. Rà soát thống nhất về chương trình giáo dục các cấp, bảo đảm tính ổn định, thống nhất và đồng bộ, tránh lãng phí, tạo độc quyền trong in, phát hành SGK.
Bình luận (0)